Thạc sĩ, bác sĩ Trần Nguyễn Quỳnh Trâm, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết insulin là một loại hormone giúp tế bào sử dụng glucose (đường) làm năng lượng nuôi cơ thể. Insulin hoạt động như "chiếc chìa khóa", mở cửa để glucose đi từ máu vào tế bào. Ở bệnh đái tháo đường type 1, cơ thể không tạo ra insulin. Với bệnh đái tháo đường type 2, tuyến tụy lại không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả.
Thời điểm cần tiêm insulin
Bác sĩ Trâm chia sẻ thêm, người bệnh cần kiểm soát lượng đường huyết bằng cách cải thiện chế độ ăn uống, tập thể dục, uống thuốc, tiêm insulin. Người bệnh đái tháo đường type 1 được chỉ định tiêm insulin suốt đời. Người bệnh đái tháo đường type 2 được tiêm insulin khi mang thai, bị nhiễm trùng, mất ngủ do stress, vết thương cấp, tăng đường huyết với tăng ceton máu cấp nặng, mất cân bằng không kiểm soát...
Phụ nữ bị đái tháo đường type 1 và type 2 trước đó và khi mang thai bắt buộc vẫn phải tiêm insulin để kiểm soát đường huyết trong thai kỳ. Thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ (xảy ra trong quá trình mang thai) cần áp dụng chế độ dinh dưỡng và luyện tập trong 1-2 tuần, nếu không đạt được mục tiêu điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định tiêm insulin.
Insulin có tác dụng nhanh chóng từ 5-30 phút sau tiêm. Tùy vào từng ca bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định cho người bệnh biết số lượng insulin cần tiêm mỗi lần và số lần tiêm trong ngày (một lần hoặc tối đa 4 lần mỗi ngày). Có nhiều cách khác nhau để tiêm insulin bao gồm ống tiêm, bút tiêm insulin, máy bơm insulin. Tại Việt Nam, phương pháp tiêm insulin phổ biến vẫn là dùng ống tiêm và bút tiêm. Bác sĩ sẽ tư vấn cho từng người bệnh để lựa chọn kỹ thuật tiêm nào là phù hợp, hiệu quả.
Các thao tác tiêm insulin tại nhà
Bác sĩ Trâm lưu ý, người bệnh cần thay đổi luân phiên các vị trí tiêm, nếu tiêm vào cùng một chỗ, da sẽ dày lên và loạn dưỡng mỡ. Insulin cũng sẽ không hấp thụ ở những điểm này. Đánh dấu các vị trí đã tiêm theo thời gian vào cuốn sổ (gồm cánh tay, chân, bụng và mông) giúp nhớ dễ dàng. Người bệnh có thể bắt đầu với cánh tay trái, cánh tay phải, chân trái, chân phải, bên phải bụng, sau đó sang trái, mông phải và trái. Để tiêm insulin đúng cách, bạn cần thực hiện theo các bước sau:
Sử dụng ống tiêm và lọ insulin
- Lấy lọ thuốc ra khỏi tủ lạnh, lăn lọ thuốc giữa 2 lòng bàn tay để làm ấm và đồng nhất thuốc.
- Rút không khí vào ống tiêm sao cho bằng với lượng insulin được chỉ định. Mở nắp và cắm kim qua lớp cao su rồi bơm không khí vào lọ.
- Dốc ngược lọ thuốc rồi kéo ống tiêm để lấy lượng insulin theo yêu cầu và rút kim ra khỏi lọ.
- Chọn vị trí tiêm thuốc (bụng, đùi, cánh tay).
- Sát trùng vùng da cần tiêm và cố định vị trí tiêm bằng ngón tay cái và trỏ.
- Đâm kim một góc 45 hoặc 90 độ so với bề mặt da sao cho mũi kim tiêm đi vào lớp mô dưới da rồi từ từ bơm thuốc trong khoảng 5-10 giây, sau khi tiêm hết thuốc thì giữ nguyên tư thế khoảng 6 giây rồi rút kim ra.
- Hủy bơm tiêm đã dùng và không nên tái sử dụng.
Sử dụng bút tiêm
- Bút tiêm đã được nạp sẵn insulin, bạn lấy bút ra khỏi tủ lạnh, tháo nắp và lăn tròn bút trong lòng bàn tay 10 lần, sau đó di chuyển bút lên xuống 10 lần cho đến khi dung dịch đồng nhất.
- Gắn kim tiêm mới thẳng với thân bút, rồi tháo nắm lớn bên ngoài và nắp nhỏ bên trong, không nên gắn quá chặt để tránh làm hỏng miếng nệm cao su.
- Xoay nút chọn liều tiêm chọn 2 đơn vị, hướng đầu kim tiêm lên trên, gõ nhẹ vào đầu bút tiêm vài lần. Ấn nút về số 0 và kiểm tra xem insulin có trào ra ở đầu kim hay không. Thử lại nếu insulin không trào ra thành giọt ở đầu bút.
- Xoay nút chọn liều tiêm để lựa chọn số đơn vị insulin cần tiêm theo chỉ định.
- Sát trùng vị trí tiêm, giữ thẳng kim thẳng góc 90 độ và tiêm vào da. Ấn nút tiêm cho tới khi vạch chỉ liều tiêm về mức 0 và giữ trong khoảng 10 giây rồi rút kim.
- Tháo kim và hủy kim sau khi dùng.
Người bệnh lưu ý rửa tay sạch trước khi tiêm và sau tiêm, chuẩn bị hộp đựng kim nhọn đã qua sử dụng. Insulin chưa sử dụng cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (từ 2°C - 8°C). Insulin còn thừa có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vòng 4-6 tuần. Trước khi tiêm insulin, bạn kiểm tra chất lượng của thuốc như không bị đục, có hạt, đặc hoặc đổi màu và không lắc lọ.
Hoàng Trang