Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, nhấn mạnh bệnh tim mạch là gánh nặng của gia đình và xã hội. Hàng năm, thế giới có 17,9 triệu người tử vong do các bệnh liên quan tim mạch. Trong đó, 85% do nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Chi phí chăm sóc, điều trị cũng tạo gánh nặng kinh tế hàng tỷ USD mỗi năm. Tại Việt Nam, số người qua đời vì bệnh tim mạch chiếm 30% số ca tử vong - gấp đôi số người chết vì ung thư.
Bệnh lý tim mạch ngày càng trẻ hóa
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong 10 nguyên nhân gây tử vong, bệnh tim mạch chiếm tỷ lệ cao nhất, trong đó bệnh tim thiếu máu cục bộ chiếm 16%, đột quỵ chiếm 11% các ca tử vong trên toàn cầu... Nếu như trước đây, các bệnh tim mạch như bệnh mạch vành, bệnh động mạch ngoại biên, bệnh động mạch não... thường xuất hiện ở người cao tuổi thì hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh.
Viện Tim mạch Việt Nam cũng từng tiếp nhận bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ở lứa tuổi 30, thậm chí 28 tuổi. Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh cho biết, số người bị tăng huyết áp ở tuổi dưới 40 chiếm tới 16,5%. Rất nhiều người ở độ tuổi 30-35 cũng mắc các bệnh tim mạch và không ít người đã tử vong do nhồi máu cơ tim.
Những lý do phổ biến khiến bệnh lý tim mạch gia tăng ở người trẻ là lạm dụng rượu bia; hút thuốc (cả chủ động lẫn thụ động); ít vận động; thừa cân, có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp; thức khuya; căng thẳng, áp lực tâm lý; chế độ ăn uống không khoa học dẫn đến béo phì...
Bệnh tim mạch bao gồm: bệnh mạch vành, các bệnh van tim, các bệnh tim bẩm sinh, bệnh động mạch chủ, các bệnh động mạch ngoại biên, suy tim, bệnh thấp tim, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim... Trong đó, bệnh động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất. Riêng bệnh động mạch vành do nhồi máu cơ tim cấp, hội chứng vành cấp có thể gây tử vong nhanh, hoặc dẫn đến suy tim và tử vong sau đó. Bên cạnh đó, tai biến mạch não cũng rất nguy hiểm và để lại nhiều di chứng.
Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh chia sẻ, bệnh mạch vành phổ biến hiện nay và hết sức nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam, thế giới. Cách đây khoảng 20 năm, phần lớn bệnh nhân bị thấp tim, bệnh van tim; nhưng hiện tại, trên 50% bệnh nhân tim mạch do bệnh mạch vành. 90% bệnh nhân mạch vành do xơ vữa động mạch gây hẹp lòng mạch máu.
Có 4 yếu tố chính gây xơ vữa động mạch mà người bệnh hay mắc phải. Đó là hút thuốc lá, thừa cân béo phì kèm rối loạn lipid máu cholesterol tăng cao, tiểu đường và tăng huyết áp không được kiểm soát. Stress cũng là một yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành. Người bố có bệnh này và tử vong khi dưới 65 tuổi và người mẹ dưới 60 tuổi thì con có nguy cơ mắc bệnh cao.
Tăng huyết áp được biết đến là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh động mạch vành và đột quỵ. Tỷ lệ nhồi máu cơ tim và đột quỵ ở người bệnh có tăng huyết áp gấp 3 lần và 4 lần so với người khỏe mạnh.
Những năm 1980, khoảng 10% người dân mắc bệnh huyết áp, nay cứ 4 người trưởng thành có một người tăng huyết áp. Trước đây, bệnh nhân tăng huyết áp chủ yếu đã 60-70 tuổi. Hiện nay, người dưới 40 tuổi chiếm đến 20% trong tổng số trường hợp bị tăng huyết áp.
Điều tra của Viện Tim mạch Việt Nam cho thấy khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, trong đó đến 9,7 triệu người không biết mình bệnh hoặc điều trị không hiệu quả. Những bệnh nhân tăng huyết áp hay có triệu chứng nhức đầu, nặng đầu, mỏi gáy, chóng mặt, buồn nôn... Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân khác lại không có triệu chứng.
Bệnh tăng huyết áp có thể gây ra 4 biến chứng. Đó là tim dày lên gây suy tim, biến chứng ở mắt khiến người bệnh bị mù, biến chứng ở thận và biến chứng ở não. Theo Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh, bệnh nhân bị tăng huyết áp, thì biến chứng cơ tim cấp có thể xảy ra sau 5-10 hay 20 năm, nếu không được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, cứ 1.000 trẻ sinh ra sẽ có 8 em mắc bệnh tim bẩm sinh. Mỗi năm nước ta có khoảng 10.000-12.000 trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh. Tuy nhiên, chỉ 6.000 trẻ được điều trị phẫu thuật, số còn lại đang trong giai đoạn chờ hoặc đã tử vong trước khi phát hiện bệnh. Bệnh tim bẩm sinh có thể đe dọa tính mạng trẻ nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Bệnh tim mạch có thể phòng ngừa
Người mắc bệnh tim mạch có các dấu hiệu như khó thở, đau ngực, thường xuyên mệt mỏi, ho dai dẳng, buồn nôn, chán ăn, hồi hộp, tim đập không đều, hay lo lắng, ngất xỉu, phù...
Những dấu hiệu này thường bị bệnh nhân bỏ qua vì chủ quan, đến khi trở nặng mới thăm khám khiến quá trình điều trị khó khăn, không đạt hiệu quả cao, tốn kém nhiều chi phí. Do đó, các bác sĩ cho hay người bệnh có những triệu chứng trên cần đến ngay các cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả nhất.
Thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cũng chia sẻ, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng suy tim nặng, bụng chướng to, chân phù nề... Một số bệnh nhân tự ý uống thuốc đông y, gây chậm trễ thời gian điều trị. Bác sĩ Bạch Yến khuyến cáo không nên tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nào mà không được sự đồng ý của bác sĩ. Trong trường hợp hở van tim nặng, phẫu thuật sửa chữa van mới điều trị được bệnh, thuốc chỉ có vai trò hỗ trợ. Do đó, người bệnh cần thăm khám kịp thời để điều trị sớm. Việc thăm khám kịp thời ngay khi có triệu chứng bất thường giúp rút ngắn thời gian, tăng hiệu quả điều trị.
Minh Tú