BSCKI Hồ Thị Tuyết Mai - Bác sĩ Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, TP HCM giải thích, huyết áp là áp lực của máu tác động lên thành động mạch. Huyết áp được tính bằng đơn vị mmHg và được xác định bằng cách đo huyết áp. Huyết áp có hai chỉ số: huyết áp tâm thu thể hiện ở chỉ số trên, là huyết áp khi tim co bóp; huyết áp tâm trương thể hiện ở chỉ số dưới, là huyết áp khi tim bạn được thư giãn.
Ví dụ: huyết áp 130/80mmHg: 130 là huyết áp tâm thu, 80 là huyết áp tâm trương. Vì vậy khi bác sĩ hoặc y tá cho bạn biết huyết áp của bạn, thì họ sẽ nói 2 con số.
Tăng huyết áp còn được gọi là cao huyết áp hay huyết áp cao. Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch học Quốc gia về chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp, tăng huyết áp đo tại phòng khám được chẩn đoán và phân độ như sau:
- Huyết áp tối ưu: Huyết áp tâm thu: < 120 mmHg và huyết áp tâm trương: < 80 mmHg
- Huyết áp bình thường: Huyết áp tâm thu: 120-129 mmH và/hoặc huyết áp tâm trương: 80-84 mmHg
- Bình thường cao: Huyết áp tâm thu: 130-139 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương: 85-89 mmHg
- Tăng huyết áp độ 1 (nhẹ): Huyết áp tâm thu: 140-159 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương: 90-99 mmHg
- Tăng huyết áp độ 2 (trung bình): Huyết áp tâm thu: 160-179 mmHg và/hoặc huyết áp tâm thu: 100-109 mmHg
- Tăng huyết áp độ 3 (nặng): Huyết áp tâm thu: ≥ 180 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương: ≥ 110 mmHg
- Tăng huyết áp tâm thu đơn độc: Huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và huyết áp tâm trương < 90 mmHg
- Tiền tăng huyết áp kết hợp giữa huyết áp bình thường và bình thường cao, nghĩa là huyết áp tâm thu 120-139 mmHg và huyết áp tâm trương 80-89 mmHg
Vậy khi huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg thì bạn bị tăng huyết áp.
Huyết áp bình thường cao là một thuật ngữ mà bác sĩ sử dụng như một lời cảnh báo. Đó là những người có huyết áp tăng trên ngưỡng bình thường nhưng chưa đến ngưỡng để chẩn đoán tăng huyết áp. Bác sĩ chẩn đoán huyết áp bình thường cao với mục đích giúp người bệnh lưu ý huyết áp thường xuyên, từ đó điều chỉnh lối sống và chăm sóc sức khỏe tốt hơn, tránh trở thành bệnh tăng huyết áp thật sự.
Đa phần tăng huyết áp ở người lớn tuổi không có nguyên nhân hay còn được gọi "tăng huyết áp vô căn". Khoảng 10% tăng huyết áp có nguyên nhân.
Những bệnh nhân tăng huyết áp hay có những triệu chứng nhức đầu, nặng đầu, mỏi gáy, chóng mặt, buồn nôn... tuy nhiên những bệnh nhân khác lại không có triệu chứng. Việc không điều trị kịp thời dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng, do đó chúng ta cần quan tâm đến chỉ số huyết áp của mình.
Tăng huyết áp nguy hiểm như thế nào?
Bác sĩ Hồ Thị Tuyết Mai cho biết, tăng huyết áp là "kẻ giết người thầm lặng". Bệnh thường diễn biến âm thầm và ảnh hưởng đến nhiều bộ phận cơ thể của bạn bằng nhiều cách. Huyết áp cao khiến tim và hệ thống động mạch chịu áp lực lớn. Tim phải làm việc nặng hơn trong một thời gian dài, nên nó có xu hướng to ra, giãn ra dẫn đến thành tim phải dày lên để bù đắp lại. Quá trình này diễn ra lâu ngày dẫn đến tim bị quá tải và suy tim.
Tăng huyết áp có thể làm tổn thương các cơ quan khác như tim (nhồi máu cơ tim, suy tim), đột quỵ, suy thận và mờ mắt. Nếu bạn bị tăng huyết áp, việc điều trị giữ huyết áp dưới 130/80 mmHg có thể giúp bạn phòng ngừa những vấn đề trên.
Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc điều trị giúp kiểm soát huyết áp của bạn ổn định nhất. Tùy vào tình trạng bệnh và đặc điểm của từng bệnh nhân mà bác sĩ có thể dùng những nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp sau: ức chế beta, ức chế men chuyển, ức chế thụ thể, ức chế canxi, ức chế lợi tiểu, ức chế alpha...
Nếu bác sĩ đã kê đơn thuốc huyết áp, điều quan trọng nhất bạn cần làm là uống thuốc đều đặn mỗi ngày. Trong quá trình dùng thuốc nếu thấy nghi ngờ tác dụng phụ do thuốc gây ra, đừng bỏ thuốc ngay mà hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để tìm hiểu nguyên nhân và điều chỉnh thuốc thích hợp. Bác sĩ có thể giảm liều thuốc của bạn hoặc chuyển sang một loại thuốc khác. Nếu chi phí điều trị bị hạn chế, đừng ngại trao đổi với bác sĩ để lựa chọn thuốc phù hợp với điều kiện kinh tế. Việc tuân thủ điều trị tăng huyết áp giúp bạn phòng tránh được các biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, suy thận... và nó có thể cứu sống bạn.
Cách ngăn ngừa biến chứng khi bị tăng huyết áp
Bên cạnh việc dùng thuốc, điều chỉnh lối sống cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp. Bác sĩ Hồ Thị Tuyết Mai khuyến cáo mọi người:
- Nếu bạn thừa cân hãy cố gắng giảm cân: Nhiều người tăng huyết áp có vấn đề về cân nặng như thừa cân, béo phì. Vì vậy đối với người bị tăng huyết áp bác sĩ có thể hướng dẫn một chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp để giúp cân nặng trở về trạng thái lý tưởng. Khi cân nặng giảm xuống thì chỉ số huyết áp của bạn cũng giảm đi đáng kể. Không chỉ vậy, thừa cân, béo phì còn là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim mạch.
- Chọn một chế độ ăn ít chất béo: Tăng khẩu phần với nhiều trái cây, rau và các sản phẩm từ sữa ít béo, thức ăn không có mỡ hoặc rất ít mỡ, thức ăn gia cầm được loại bỏ da, các loại thịt nạc, cá...
- Giảm lượng muối ăn.
- Tập thể dục: Ít nhất 30 phút mỗi ngày vào hầu hết các ngày trong tuần: Việc tập luyện thể dục là việc lý tưởng giúp giảm huyết áp cũng như giảm cân hoặc giữ cho bạn cân nặng phù hợp, cường độ tập luyện cùng các bài tập nên được tham khảo qua với bác sĩ để phù hợp với thể trạng của bản thân...
- Hạn chế uống rượu: Nam giới không nên uống quá 2 ly rượu mỗi ngày, phụ nữ không nên uống quá một ly rượu mỗi ngày. Một ly tương đương một cốc bia, hoặc một cốc rượu vang nhỏ hoặc một ngụm rượu mạnh.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc có mối liên quan tới việc tăng huyết áp và các biến chứng tim mạch. Với người tăng huyết áp có hút thuốc sẽ dẫn đến nguy cơ tăng các bệnh tim mạch gấp nhiều lần. Việc bỏ thuốc lá không chỉ giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở các bệnh nhân tăng huyết áp mà còn giảm gánh nặng mắc các bệnh như ung thư phổi, ung thư vòm họng. Để có cuộc sống khỏe mạnh và chất lượng hơn, người hút thuốc lá cần từ bỏ thói quen hút thuốc lá từ hôm nay.
- Tránh căng thẳng: Việc căng thẳng khiến các phản ứng cường thần kinh giao cảm của cơ thể được kích thích, điều này khiến tăng tiết các chất adrenalin làm tăng nguy cơ các biến cố tim mạch ở bệnh nhân tăng huyết áp và làm tăng tần số các cơn tăng huyết áp. Vì vậy, điều tốt nhất là bạn cần cân bằng cuộc sống, thu xếp công việc. Chọn lựa các phương án nghỉ ngơi, thư giãn phù hợp để tránh căng thẳng mệt mỏi.
Nhiều bệnh nhân bị tăng huyết áp nhưng không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất mơ hồ dẫn đến chậm trễ trong việc khám, phát hiện, điều trị tăng huyết áp và phòng ngừa biến chứng kịp thời. Một số bệnh nhân tuy đã được chẩn đoán tăng huyết áp, nhưng chủ quan chưa điều trị, điều trị không liên tục hoặc có điều trị nhưng không đầy đủ dẫn tới không đạt hiệu quả điều trị bệnh.
Để điều trị huyết áp hiệu quả, bạn nên mua máy đo huyết áp cá nhân để tự kiểm tra huyết áp tại nhà. Việc này sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho bác sĩ để điều chỉnh thuốc tăng huyết áp được tối ưu hơn. Nếu lo ngại về chỉ số huyết áp của mình, bạn hãy trao đổi với bác sĩ.
Máy ghi nhật ký huyết áp liên tục 24 giờ là phương tiện giúp chẩn đoán tăng huyết áp chính xác hơn đo huyết áp tại phòng khám. Hiện bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã có máy ghi nhật ký huyết áp liên tục 24 giờ giúp phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Bên cạnh đó, đội ngũ bác sĩ tim mạch giàu kinh nghiệm của bệnh viện Đa khoa Tâm Anh giúp bạn tầm soát, điều trị và phòng ngừa tăng huyết áp một cách hiệu quả nhất.
Với mục tiêu phát hiện sớm - chẩn đoán chính xác - điều trị kịp thời các bệnh lý tim mạch và nguy cơ dẫn đến các bệnh lý tim mạch, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh được thành lập, quy tụ đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm, từng làm việc ở Viện Tim TP HCM, bệnh viện Tim Tâm Đức, bệnh viện Vinmec, bệnh viện FV, bệnh viện Hoàn Mỹ, bệnh viện Đại học Y dược... cùng hệ thống máy móc hiện đại, tiên tiến hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất cho bệnh nhân cho mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đến người lớn, người cao tuổi...
Thảo Trang (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh)
Trung tâm Tim mạch là một trong những trung tâm mũi nhọn của Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh quy tụ đội ngũ chuyên gia đầu ngành, bác sĩ giàu kinh nghiệm như Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh; Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến; bác sĩ Nguyễn Minh Trí Viên; Tiến sĩ, bác sĩ Trần Văn Hùng; Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Dũng; BSCKII Huỳnh Ngọc Long; BSCKI Vũ Năng Phúc; Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Duyên; bác sĩ Nguyễn Đức Hưng; bác sĩ Nguyễn Phạm Thùy Linh; BSCKI Phạm Thục Minh Thủy; Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Khiêm Huy; BSCKII Võ Ngọc Cẩm; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Khiêm Thao; BSCKI Hoàng Thị Bình; Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Khánh... Bệnh viện còn có trang thiết bị hiện đại, không ngừng cập nhật và ứng dụng những tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị hiệu quả các bệnh lý tim mạch.
Để được tư vấn và đặt lịch khám với các chuyên gia tim mạch, độc giả liên hệ:
Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
- Tại Hà Nội:
108 Hoàng Như Tiếp, phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội
Hotline: 1800 6858
- Tại TP HCM:
2B Phổ Quang, phường 2, quận Tân Bình, TP HCM
Hotline: 0287 102 6789
- Fanpage: https://www.facebook.com/benhvientamanh
- Kiến thức tim mạch: https://tamanhhospital.vn/benh/tim-mach/