Phó giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, từ những năm 1940 các nhà khoa học đã chứng minh được mối liên hệ giữa hút thuốc lá và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Mối liên hệ này không chỉ thể hiện rõ ở cả nam giới và nữ giới, mà còn thấy được ở người lớn tuổi, trẻ nhỏ. Đáng lưu ý, dù chỉ hút vài điếu thuốc mỗi ngày cũng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Theo Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh, một số bệnh lý tim mạch thường gặp ở những người có thói quen hút thuốc lá gồm xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đột tử, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim, phình động mạch chủ và tăng huyết áp.
- Xơ vữa động mạch: Hút thuốc lá có thể gây xơ vữa động mạch theo nhiều cơ chế. Thứ nhất, nồng độ chất carbon monoxide (một chất có nhiều trong thuốc lá) tăng lên, làm tổn thương đến sự mềm dẻo của lòng mạch, dẫn đến hình thành các mảng xơ vữa. Tiếp theo, hút thuốc lá có thể làm giảm chất HDL-cholesterol (một cholesterol có lợi) và tăng nồng độ LDL-cholesterol (một cholesterol có hại), tăng triglyceride (còn gọi là mỡ máu) gây nên tình trạng xơ vữa động mạch.
- Bệnh mạch máu não: Bệnh mạch máu não là hội chứng tổn thương thần kinh xuất phát từ nguyên nhân tưới máu não bị ngắt quãng. Tổn thương này có thể nhẹ hoặc nặng, có thể là tạm thời (cơn thoáng thiếu máu não) hoặc vĩnh viễn. Các hợp chất trong khói thuốc lá có thể gây hình thành các cục máu đông, là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đột quỵ não. Thêm vào đó, khói thuốc có thể phá hủy thành tế bào máu, hình thành các mảng xơ vữa động mạch, gây hẹp động mạch, tăng triglyceride trong máu... Những điều này làm tăng nguy cơ đột quỵ não một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Có khoảng 1/4 trong tổng trường hợp đột quỵ có liên quan trực tiếp đến hút thuốc lá. Nguy cơ mắc đột quỵ do hút thuốc lá có thể tăng lên gấp 3 lần, phụ thuộc vào lượng thuốc lá đã hút, tần suất hút và độ tuổi người bệnh.
- Bệnh mạch vành: Bệnh mạch vành là tình trạng một hoặc nhiều nhánh của động mạch vành bị hẹp hoặc tắc do nhiều nguyên nhân khác nhau. Mảng xơ vữa động mạch dẫn đến hẹp mạch vành, ảnh hưởng khả năng cung cấp oxy cho tế bào cơ tim. Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành. Đặc biệt, người hút thuốc thụ động thông qua tiếp xúc với môi trường nhiều khói thuốc, cũng có 20-30% nguy cơ mắc bệnh. Ở những người hút thuốc chủ động thì xác suất mắc bệnh cao hơn, gấp 2-4 lần và tỷ lệ tử vong do bệnh khoảng 70%.
- Nhồi máu cơ tim: Việc hút thuốc lá thường xuyên có thể gây phá hủy mạch máu trầm trọng. Thường xuyên hút thuốc có thể gặp những cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim nhiều hơn so với không hút thuốc. Thêm vào đó, độ tuổi bắt đầu xuất hiện tình trạng nhồi máu cơ tim cũng sớm hơn, nhiều biến chứng nguy hiểm hơn, và cao gấp 2 lần so với người không hút thuốc lá.
- Rối loạn nhịp tim và đột tử: Khói thuốc lá sẽ làm tăng tiết chất catecholamine. Đây là một hoạt chất tự nhiên có trong cơ thể, có tác dụng tương tự như adrenaline. Khi chất này có nồng độ cao quá mức cho phép có thể gây ra tình trạng loạn nhịp tim, thậm chí rung thất, dẫn đến đột tử nếu không được can thiệp xử trí kịp thời.
- Phình động mạch chủ: Thường xuyên hút thuốc lá sẽ có nguy cơ cao hình thành các mảng xơ vữa động mạch ở động mạch chủ nhiều hơn, cản trở việc cung cấp máu từ tim đến các cơ quan trong cơ thể. Khi động mạch chủ bị hẹp do các mảng xơ vữa sẽ tạo thành những chỗ phình to, song song đó động mạch trở nên yếu dần, có thể bị vỡ, đe dọa đến tính mạng. Người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ bị phình động mạch chủ cao gấp 8 lần so với người bình thường.
- Tăng huyết áp: Hút thuốc lá có thể gây nên tình trạng tăng huyết áp (cao huyết áp) cấp tính. Chỉ trong vòng vài phút đầu tiên hút thuốc, nhịp tim bắt đầu tăng, làm co mạch máu và tim hoạt động nhiều hơn để vận chuyển oxy. Bên cạnh đó, hút thuốc còn làm giảm hiệu quả của việc điều trị tăng huyết áp do các enzyme vào máu, làm hạn chế tác dụng của thuốc điều trị.
"Nhiều người nghĩ rằng hút thuốc lá không khói hoặc thuốc lá điện tử sẽ vô hại. Trên thực tế, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử vẫn làm tăng nồng độ nicotine và nhiều chất khác có trong máu, làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch và mắc một số bệnh ung thư...", Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh nói.
Cần lưu ý, việc hút thuốc lá thụ động cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. Chỉ với 30 phút tiếp xúc với khói thuốc lá đã có thể làm tổn thương chức năng của nội mạc động mạch vành, tương tự như ở những người hút thuốc lá thường xuyên.
Cai thuốc lá có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa diễn tiến các bệnh lý tim mạch. Bác sĩ Vinh cho biết, đối với người mắc bệnh động mạch vành, cai thuốc lá giúp giảm 36% nguy cơ biến chứng tim mạch và 50% nguy cơ tử vong sớm. Ở người nhồi máu cơ tim, cai thuốc lá giảm 40% nguy cơ tử vong, 30% nguy cơ. Sau một năm cai thuốc, nguy cơ mắc bệnh tim mạch giảm đi một nửa. Sau 15 năm, nguy cơ mắc bệnh sẽ như người bình thường, chưa từng hút thuốc lá.
Tuy nhiên, ở bệnh nhân ung thư, việc cai thuốc lá không thể giúp người bệnh khỏe mạnh trở lại như bình thường bởi khói thuốc đã tác động sâu sắc lên phế quản, làm biến đổi cấu trúc và dẫn đến ung thư. Lúc này, việc cai thuốc lá sẽ làm giảm bớt phần nào tiến triển của bệnh, đặc biệt nếu cai thuốc lá trước 40 tuổi thì nguy cơ mắc ung thư phổi cũng giảm xuống rõ rệt.
Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh cũng nói thêm, bên cạnh những lợi ích về sức khỏe, việc cai thuốc còn đem lại nhiều lợi ích khác, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh cho những người hút thuốc lá thụ động. Để cai thuốc lá thành công, người hút thuốc lá cần áp dụng 4 bước quan trọng. Đầu tiên, hãy so sánh mặt lợi - hại của việc hút thuốc lá đối với bản thân, gia đình và những người xung quanh. Thứ hai, hãy liệt kê những việc làm có thể thay thế cho thói quen hút thuốc như nhai một thanh kẹo cao su, cắn hạt hướng dương hoặc đi bộ, tập thể dục, ngâm nga bài hát yêu thích... Thứ ba, hãy tìm kiếm chỗ dựa vững chắc để quyết tâm thực hiện cai thuốc lá, có thể là đưa ra một mục tiêu mới hoặc dựa vào sự hỗ trợ của gia đình. Thứ tư, bắt đầu thực hiện.
"Hút thuốc lá gây ảnh hưởng xấu đến các cơ quan trong cơ thể, do đó mọi người cần kiên quyết loại bỏ các yếu tố hình thành thói quen hút thuốc lá cũng như kiên trì thực hiện bằng chế độ tập luyện và dinh dưỡng phù hợp. Đặc biệt, người hút thuốc lá lâu năm, kéo dài cần khám, tầm soát bệnh tim mạch định kỳ để phòng ngừa nguy cơ và có hướng xử trí kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm", bác sĩ Vinh nói.
Thảo Trang (Ảnh: ShutterStock)