Sau khi nội soi cắt khối u, ông Nguyễn Hữu Thọ (55 tuổi, Buôn Mê Thuột) được bác sĩ kê thêm toa thuốc, dặn dò ông cách ăn uống, chế độ dinh dưỡng và hẹn tái khám sau 3 tháng.
Ông Thọ kể lại, ngày đầu tháng 11, ông đi khám tại một bệnh viện gần nhà. Kết quả nội soi cho thấy ông bị viêm dạ dày và có một khối u ở tá tràng. Bác sĩ kết luận polyp tá tràng và đề nghị ông cắt bỏ polyp. Tuy nhiên, chưa chắc chắn về tình trạng bệnh, hai tuần sau, ông đến phòng khám Tiêu hóa - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
TS.BS Phạm Hữu Tùng - Phó giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa chỉ định người bệnh thực hiện nội soi dạ dày tá tràng phát hiện tổn thương ở hành tá tràng không phải là polyp mà là tổn thương u ở dưới niêm mạc. Sau đó, bác sĩ tiến hành thực hiện siêu âm nội soi nhằm đánh giá khối u nằm ở vị trí nào, lớp nông hay sâu của hành tá tràng (đoạn đầu tiên của tá tràng, là nơi tiếp nhận thức ăn từ dạ dày để đưa xuống ruột non và có hình dáng giống củ hành). Để từ đó bác sĩ quyết định phương pháp điều trị thích hợp.
Theo bác sĩ Tùng, u dưới niêm mạc đường tiêu hóa có thể gặp bất kỳ vị trí nào của đường tiêu hóa từ thực quản đến trực tràng. Biểu hiện bệnh đặc trưng là những tổn thương nhô lên trong lòng ống tiêu hóa, phủ bên ngoài là lớp niêm mạc bình thường. U thường được phát hiện tình cờ qua thăm khám, nội soi dạ dày hay nội soi đại tràng thường quy, đôi khi người người bệnh cũng có những triệu chứng đau bụng, tắc ruột hay xuất huyết tiêu hóa...
Theo bác sĩ Tùng, siêu âm nội soi là phương pháp chẩn đoán chính xác các u dưới niêm đường tiêu hóa, xác định được kích thước, bản chất của khối u, vị trí xuất phát của u ở lớp nông hay sâu của thành ống tiêu hóa, xác định được ranh giới và mức độ xâm lấn của khối u.
Siêu âm nội soi sử dụng dây soi có gắn đầu dò siêu âm đưa vào trong cơ thể để phát hiện những tổn thương tại đường tiêu hóa và những cơ quan lân cận như gan, mật, tuỵ... Phương pháp này hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán, chọc hút bằng kim nhỏ lấy mẫu mô đi xét nghiệm mô bệnh học và có thể can thiệp xử lý các bệnh lý tiêu hóa - gan - mật - tụy. Hơn nữa, siêu âm nội soi còn giúp đánh giá mức độ xâm lấn của ung thư đường tiêu hóa và các khối u nằm sâu trong ổ bụng với mức độ xâm lấn tối thiểu. Bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết bằng kim nhỏ ngay trong quá trình nội soi.
Người bệnh được các bác sĩ chỉ định kỹ thuật cắt dưới niêm mạc. Bác sĩ Tùng cho biết thêm, kỹ thuật hiện đại này mang đến hiệu quả cao, an toàn, ít xâm lấn và đảm bảo cắt tách toàn bộ tổn thương u ra khỏi hành tá tràng qua nội soi, tránh bỏ sót và tái phát khối u.
Kết quả xét nghiệm giải phẫu bệnh của tổn thương là u thần kinh nội tiết lành tính. Đây là dạng bệnh ung thư, khi tế bào thần kinh nội tiết phát triển bất thường, tạo ra khối u nội tiết ở nhiều cơ quan trên cơ thể. Các khối u có thể phát triển nhanh, khó loại trừ hoàn toàn và dễ di căn xa đến nhiều cơ quan, khu vực trên cơ thể. "Tuy u thần kinh nội tiết khá hiếm gặp nhưng lại có tỷ lệ tử vong cao do phát hiện muộn, hiệu quả điều trị còn hạn chế", bác sĩ Tùng nói thêm.
* Tên nhân vật đã được thay đổi.
Hoàng Trang