Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Phước Lâm - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, môi trường ô nhiễm, lối sống không lành mạnh, đồ ăn thức uống độc hại... khiến người mắc bệnh về đường tiêu hóa gia tăng. Trong đó, lo ngại là các loại ung thư tiêu hóa có tỷ lệ mắc bệnh cao như ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng. Tuổi mắc bệnh ngày càng trẻ hóa.
Song, hiện nay, nhiều người dân chủ quan với các bệnh lý về tiêu hóa, thường chỉ đi thăm khám khi bệnh phát ra các triệu chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, sức khỏe. Đây chính là lý do bệnh thường được phát hiện muộn, khi tổn thương ác tính đã tiến triển xâm lấn các tổ chức, di căn hạch, khiến cho việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém, tăng nguy cơ tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Phước Lâm, chủ động thăm khám, tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý nói chung, bệnh về đường tiêu hóa nói riêng chính là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe, tăng cơ hội chữa khỏi bệnh, hoặc kéo dài thêm sự sống.
Ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng có thể ngăn ngừa, điều trị có hiệu quả nếu phát hiện sớm. Các tổn thương tiền ung thư có thể xuất hiện trước đó nhiều năm, nhưng thường không có triệu chứng, khi xuất hiện đa số vào giai đoạn muộn, việc điều trị rất tốn kém, hiệu quả rất thấp.
Hiện nay, phương pháp nội soi tiêu hóa được các chuyên gia đánh giá cao trong việc tầm soát chẩn đoán sớm ung thư đường tiêu hóa. Nội soi cho phép chẩn đoán bệnh lý chính xác, nhanh chóng, hiệu quả. Phương pháp cũng cho phép điều trị một số bệnh lý đường tiêu hóa, ung thư ống tiêu hóa giai đoạn sớm ít đau, ít nguy cơ nhiễm trùng, nằm viện ngắn, mau phục hồi.
Nội soi tiêu hóa là gì?
Nội soi tiêu hóa là phương pháp kiểm tra trực quan ống tiêu hóa bằng cách dùng một ống soi dài và mềm, có gắn camera để luồn từ miệng, mũi (nội soi trên), hoặc từ hậu môn (nội soi dưới) vào đường tiêu hóa. Phương pháp này giúp chẩn đoán các bệnh lý về đường tiêu hóa, đôi khi cũng có thể được dùng để điều trị các bệnh lý ảnh hưởng đến thực quản, dạ dày, phần đầu của ruột non (tá tràng).
Nội soi đôi khi được kết hợp với siêu âm để tăng hiệu quả chẩn đoán trong những trường hợp đặc biệt, gọi là siêu âm nội soi. Một đầu dò siêu âm có thể gắn vào ống nội soi để tạo ra những hình ảnh chuyên biệt về thành thực quản, dạ dày hoặc giúp bác sĩ tạo ra hình ảnh của các cơ quan khó tiếp cận như tuyến tụy.
Đối tượng được chỉ định, không được chỉ định nội soi tiêu hóa
Các loại nội soi tiêu hóa phổ biến trong các bệnh viện hiện nay như: nội soi thực quản, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng, nội soi trực tràng... thường được chỉ định cho mục đích tầm soát hoặc điều trị một số tình trạng về đường tiêu hóa.
Chỉ định nội soi tiêu hóa: người bị xuất huyết tiêu hóa, thiếu máu không rõ nguyên nhân, thiếu máu Biermer; đau thượng vị, loét dạ dày, hành tá tràng, ung thư dạ dày, viêm dạ dày, polyp dạ dày; hẹp môn vị; giun chui ống mật; viêm ruột mãn tính (Crohn); tiền sử gia đình có người mắc ung thư đại trực tràng; máu ẩn trong phân dương tính; tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân, tiêu chảy cấp tính, rối loạn đại tiện, đi ngoài phân đen; viêm túi thừa.
Các bệnh về đại trực tràng; kiểm tra những bất thường được phát hiện trên chụp CT, MRI, X-quang, siêu âm; kiểm tra định kỳ người có polyp, chỉ định đối với cắt polyp; lấy dị vật; cầm máu; nong chỗ hẹp; điều trị xoắn đại tràng hoặc manh tràng hoặc cả hai; soi đại tràng theo dõi trong quá trình điều trị; soi kiểm tra định kỳ sau cắt polyp; viêm đại tràng có loạn sản nặng, ung thư đại trực tràng cũng được chỉ định nội soi tiêu hóa.
Chống chỉ định nội soi tiêu hóa: người mắc các bệnh lý ở thực quản, có nguy cơ thủng thực quản khi nội soi như bỏng thực quản do hóa chất, người mắc bệnh lý phình giãn động mạch chủ, suy tim, suy hô hấp, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp; khó thở; xơ gan cổ trướng; ho nhiều; gù vẹo cột sống; tụt huyết áp dưới 90/60 mmHg; người quá già yếu và suy nhược; bệnh nhân tâm thần không thể phối hợp; viêm phúc mạc; thủng đại tràng, mới mổ đại tràng, tiểu khung; phình động mạch chủ bụng; bệnh túi thừa cấp tính; bệnh nhân bị tắc mạch phổi; bệnh nhân đang trong tình trạng sốc; thai kỳ (3 tháng đầu và 3 tháng giữa).
Biến chứng nào có thể xảy ra trong hoặc sau khi nội soi?
Bác sĩ Lâm cho biết thêm, một số biến chứng có thể gặp phải trong hoặc sau khi nội soi tiêu hóa nếu bác sĩ thao tác không đúng quy trình kỹ thuật, sự cố trang thiết bị, không có phương tiện theo dõi người bệnh hoặc đường tiêu hóa của người được nội soi quá nhạy cảm. Do đó, điều quan trọng là người dân cần đi nội soi tiêu hóa ở các bệnh viện uy tín, chuyên nghiệp, có đủ trang thiết bị, trang thiết bị hiện đại, bác sĩ lành nghề, giàu kinh nghiệm. Điều này giúp tránh các rủi ro không mong muốn như rách, thủng đường tiêu hóa gây xuất huyết, nhiễm trùng ổ bụng.
Nội soi tiêu hóa có đau không?
Nội soi tiêu hóa thường (không gây mê hoặc tiền mê) có gây cảm giác khó chịu, đau tức cổ họng, đối với phương pháp nội soi trên, hoặc đau tức bụng, hậu môn đối với phương pháp nội soi dưới. Tuy nhiên, phương pháp nội soi không đau (có gây mê hoặc tiền mê) thì người bệnh sẽ không cảm thấy đau tức, khó chịu.
Nội soi có tầm soát được ung thư đường tiêu hóa không?
Hiện nay, nội soi là một trong những phương pháp hiệu quả hàng đầu trong việc tầm soát, phát hiện sớm ung thư tiêu hóa, được các bệnh viện áp dụng. Bác sĩ Lâm khuyến cáo, người dân nên làm nội soi tiêu hóa định kỳ ngay cả khi không có các triệu chứng bất thường để tầm soát, phát hiện bệnh sớm, nhất là các loại ung thư tiêu hóa dễ mắc phải. Cụ thể các bệnh không bộc lộ triệu chứng rõ ràng như ung thư dạ dày, đại trực tràng.
Ngọc An