TS.BS Đặng Thị Ngọc Bích (Khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết viêm da cơ địa là bệnh thường gặp, đặc trưng bởi viêm da mạn tính, hay tái phát và ngứa. Bệnh không nguy hiểm tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ như lột da, dày da... ảnh hưởng chất lượng cuộc sống.
Viêm da cơ địa có liên quan đến yếu tố di truyền, có xu hướng xảy ra trong các gia đình có người từng mắc bệnh. Theo bác sĩ Ngọc Bích, cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác làm cho bệnh bùng phát hoặc nặng hơn dù tuân thủ các biện pháp điều trị và chăm sóc da. Các nhà khoa học cho rằng những yếu tố liên quan đến nội tiết tố (hormone), trạng thái cảm xúc như căng thẳng, trầm cảm có thể là nguyên nhân. Stress kéo dài khiến các hormone tương tác với hệ thống miễn dịch, dần thay đổi, dẫn đến bệnh viêm da cơ địa.
Rối loạn nội tiết gây viêm da cơ địa là do yếu tố thay đổi nội tiết khiến da mất đi độ ẩm ở lớp bảo vệ cần thiết. Điều này có thể dẫn đến biểu hiện ngứa dữ dội, gãi trầy xước, từ đó khiến bệnh viêm da cơ địa bùng phát.
Dấu hiệu nhận biết
Dấu hiệu điển hình của viêm da cơ địa là tình trạng da viêm đỏ, tróc vảy, chảy dịch, dày sừng, nứt nẻ, ngứa râm ran hoặc dữ dội, càng gãi càng ngứa. Tuy nhiên, tùy vào độ tuổi và giai đoạn tiến triển, bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau.
So với trẻ em, những biểu hiện viêm da cơ địa ở người lớn ít hơn vì kháng thể và sức đề kháng mạnh hơn. Những tổn thương cơ bản bao gồm da dày, lichen hóa, vết nứt đau - hậu quả của việc bệnh nhân gãi nhiều; xuất hiện tại các vị trí nếp gấp lớn, lòng bàn tay, bàn chân, cổ, gáy... Viêm da cơ địa cũng có biểu hiện khu trú khác như lòng bàn tay bàn chân, chàm núm vú, chàm mi mắt, viêm môi bong vảy, chàm đồng xu...
Rối loạn nội tiết ảnh hưởng đến viêm da cơ địa hoặc làm cho bệnh viêm da cơ địa tiến triển nặng hơn khi bước vào giai đoạn dậy thì, kinh nguyệt, estrogen tăng cao trong thai kỳ...
Tuổi dậy thì
Bác sĩ Ngọc Bích chia sẻ thêm, viêm da cơ địa sẽ biến mất trước tuổi vị thành niên ở khoảng 3/4 số người được chẩn đoán trong thời thơ ấu. 1/4 còn lại mắc bệnh này trong quá trình trưởng thành hoặc tái phát ở giai đoạn nào đó trong cuộc đời. Yếu tố hình thành và lý do gây bệnh ở mỗi người sẽ diễn ra theo những cách khác nhau. Tuy nhiên, hormone sinh dục có ảnh hưởng lớn, nhất là ở nữ giới. Bé trai được chẩn đoán mắc bệnh chàm nhiều hơn bé gái nhưng đến tuổi dậy thì tình trạng này sẽ thay đổi. Bệnh thường xảy ra trong độ tuổi 12-16 ở bé trai và 10-14 ở bé gái.
Hai loại hormone nội tiết nữ estrogen và progesterone tăng cường hoạt động của một số tế bào trong hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ của da. Khi hàng rào bảo vệ da bị tổn thương (giảm nồng độ lipid trên da như ceramide, cholesterol, các acid béo cần thiết; thiếu lipid gian bào; tăng men tiêu protein nội sinh trên da), dẫn đến da khô, mất nước, tế bào da bị biến dạng. Hậu quả là các tác nhân bên ngoài như dị nguyên, vi khuẩn dễ xâm nhập gây ra phản ứng viêm.
Trong khi đó, nội tiết tố nam androgen (giúp điều chỉnh và duy trì các đặc điểm nam giới) lại bị đảo ngược. Chúng ngăn chặn phản ứng, do đó tình trạng viêm nhiễm và các dấu hiệu khác của bệnh viêm da cơ địa không xảy ra. Do đó, tỷ lệ trẻ nhỏ mắc bệnh chàm nhiều hơn so với trẻ sau tuổi dậy thì.
Biến động hormone trong kinh nguyệt
Phụ nữ mắc phải tình trạng viêm da cơ địa có thể thấy các triệu chứng tồi tệ hơn trong tuần trước khi có kinh. Nguyên nhân có thể đến từ sự sụt giảm đột ngột của estrogen trước kỳ kinh. Điều này cho thấy sự ảnh hưởng của nội tiết tố nữ với căn bệnh này.
Estrogen tăng cao trong thai kỳ
Phụ nữ mang thai dễ bị viêm da cơ địa do nhiều nguyên nhân, trong đó có estrogen tăng cao. Estrogen tăng cao sẽ tác động đến hệ thống miễn dịch và gây suy yếu. Tình trạng này cũng khiến định lượng globulin miễn dịch E (IgE) trong huyết tương tăng nhanh, gây rối loạn chức năng các cơ quan, làm bùng phát biểu hiện viêm da cơ địa.
Hormone stress
Khi căng thẳng, cơ thể bắt đầu phản ứng thông qua các biểu hiện tăng nhịp tim, tăng huyết áp và giải phóng các hormone căng thẳng như cortisol và adrenaline. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hormone cortisol lại ngăn cản hoạt động của hệ thống miễn dịch, còn các hormone "tạo cảm giác dễ chịu" như endorphin lại có xu hướng suy giảm. Khi thai phụ bị chàm, cơ thể cùng lúc phản ứng bằng một cơn bùng phát dữ dội và mức độ căng thẳng tăng cao.
Cách kiểm soát rối loạn nội tiết
Để duy trì nội tiết ổn định, nam giới và nữ giới cần duy trì chế độ sinh hoạt khoa học bao gồm tập luyện, nghỉ ngơi, thái độ sống lạc quan và dinh dưỡng hợp lý. Duy trì chế độ luyện tập tối thiểu 30 phút mỗi ngày thông qua các môn thể thao như đi bộ, đạp xe, yoga... giúp tăng cường hoạt động các cơ, nâng cao sức khỏe thể chất. Mọi người nên hạn chế sử dụng thực phẩm giàu tinh bột, thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ...; ăn nhiều rau xanh, trái cây, thực phẩm chứa nhiều omega-3 và vitamin; duy trì mức cân nặng hợp lý, tránh tăng cân.
Nghỉ ngơi và suy nghĩ lạc quan giúp giảm nguy cơ gây rối loạn nội tiết. Cơ thể cần thời gian nghỉ ngơi sau một ngày dài căng thẳng để hồi phục. Tâm trí lạc quan, thư thái có thể sản sinh ra nhiều hormone "hạnh phúc" như endorphin, tăng cường sức đề kháng, tạo hàng rào bảo vệ cơ thể, ngăn không cho vi khuẩn xâm nhập và làm tiến triển bệnh viêm da cơ địa.
Bác sĩ Ngọc Bích khuyên bên cạnh nguyên nhân gây bùng phát, tái phát viêm da cơ địa do rối loạn nội tiết, bạn cũng nên tránh những dị nguyên như bọ, bụi nhà, lông súc vật, thức ăn (trứng, sữa, lạc, đậu tương, cá, bột mì); khí hậu hanh khô (bệnh thường nặng vào mùa đông, nhẹ vào mùa hè). Điều kiện vệ sinh; tình trạng nhiễm khuẩn, nhất là tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus); sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa... có thể khiến bệnh khởi phát và diễn tiến nặng hơn.
Hoàng Trang