Theo công bố của các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh (Anh), phụ nữ bị mất 90% số trứng của họ trước 30 tuổi và chỉ còn 3% số trứng lúc 40 tuổi. Giảm số lượng trứng kéo theo bộ ba nội tiết tố giảm nhanh, tỷ lệ các nội tiết không còn cân đối, hệ trục não bộ - tuyến yên - buồng trứng suy giảm hoạt động. Đây là hiện tượng tự nhiên trong quá trình lão hóa.
Tuổi 35 là cột mốc đánh dấu sự thay đổi rõ ràng về sức khỏe, nhan sắc cũng như khả năng sinh lý của người phụ nữ. Các biểu hiện thấy rõ là làn da khô sạm, xuất hiện nếp nhăn, thân hình mất cân đối, mỡ tích tụ nhiều, rối loạn kinh nguyệt, bốc hỏa, rối loạn giấc ngủ, khô âm đạo, giảm ham muốn, mệt mỏi, hay cáu gắt...
Tiến sĩ Lê Thúy Tươi - chuyên gia cao cấp về chăm sóc sức khỏe giới tính cho biết, trước sự thay đổi này, chị em thường có tâm lý lo lắng tìm cách bổ sung nội tiết tố để cải thiện triệu chứng khó chịu, kéo dài thanh xuân. Tuy nhiên, bổ sung nội tiết tố mà không hiểu cặn kẽ về công dụng, hiệu quả, tính an toàn có thể gây tác dụng ngược. Dưới đây là những lầm tưởng về việc bổ sung nội tiết tố theo tiến sĩ Lê Thúy Tươi.
Nội tiết tố nữ chỉ có estrogen
Theo tiến sĩ Lê Thúy Tươi, nội tiết tố nữ (hormone nữ) không chỉ có estrogen mà là từ chỉ chung cho nhiều loại nội tiết như hormone hướng sinh dục GnRH, hormone truyền tin FSH, LH và các hormone sinh dục progesterone, estrogen, testosterone... Chúng liên kết với nhau chi phối và điều khiển các hoạt động tình dục trong cơ thể phụ nữ. Trong đó, bộ ba nội tiết tố quan trọng là estrogen, progesterone và testosterone sản sinh cần có sự chỉ đạo của vùng hạ đồi (não bộ), buồng trứng và tuyến yên thông qua các hormone là GnRH và FSH, LH.
Chính hệ trục não bộ - tuyến yên - buồng trứng là yếu tố quyết định sự ổn định của nội tiết tố nữ. Nội tiết tố lại chi phối mọi hoạt động của cơ thể, giúp ích cho sức khỏe, tâm sinh lý của phái đẹp.
"Nếu bổ sung nội tiết tố riêng lẻ như chỉ chú trọng đến estrogen sẽ khó có thể khắc phục tốt những vấn đề mà phụ nữ đang đối mặt, thậm chí còn gây ra mất cân bằng nội tiết tố", tiến sĩ Lê Thúy Tươi nói.
Bổ sung nội tiết tố càng nhiều càng tốt
Theo tiến sĩ Lê Thúy Tươi, suy giảm nội tiết tố là hiện tượng tự nhiên của quá trình lão hóa, dù không muốn cũng khó chống lại quy luật này, có chăng là chỉ làm chậm quá trình lão hóa. Sự bất ổn định nội tiết tố có thể xảy ra ở nhiều loại nội tiết tố khác nhau với các mức độ khác nhau, có thể tăng lên hoặc suy giảm mà cần phải có xét nghiệm mới biết chính xác.
Tiến sĩ Lê Thúy Tươi chia sẻ thêm, hiện nay nhiều người tự ý áp dụng biện pháp bổ sung nội tiết tố từ bên ngoài vào ở nhiều dạng khác nhau như qua đường uống, tiêm, dán... thường là estrogen đơn lẻ. Đây là giải pháp tiềm ẩn nhiều tác hại nguy hiểm nên không tự ý bổ sung mà cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, nếu tùy tiện bổ sung estrogen mà không có progesterone đi kèm, trong vòng một năm, nguy cơ ung thư nội mạc tử cung có thể tăng lên 5-8 lần.
Tự ý dùng kéo dài, có thể sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ khác như ung thư nội tử cung; các bệnh vú như đau, cương vú, ung thư vú, làm tăng huyết áp, tăng các bệnh huyết khối... Tiến sĩ Lê Thúy Tươi giải thích, bổ sung nội tiết tố từ bên ngoài vào sẽ làm cơ thể trong tình trạng "no ảo" về sự đầy đủ của nội tiết tố, khiến hệ trục não bộ - tuyến yên - buồng trứng "ngủ quên", lâu dần chức năng bị suy giảm khiến nội tiết tố càng thiếu hụt trầm trọng hơn.
Estrogen thực vật có thể thay thế nội tiết tố tự nhiên của cơ thể
Cũng theo tiến sĩ Lê Thúy Tươi, chị em cũng cần phân biệt estrogen thảo dược hoặc tổng hợp. Phytoestrogen là thành phần được phát hiện ở hơn 300 loài thực vật có cấu trúc hóa học tương tự như estrogen (có nhiều trong đậu hũ, đậu nành...). Nó bao gồm 3 loại lignan, isoflavone và coumestan. Mặc dù vậy, phytoestrogen không thể thay thế được 100% bản chất hormone estrogen tự sinh trong cơ thể phái nữ. Phytoestrogen ít hiệu quả với phụ nữ tiền mãn kinh và mãn kinh vì nó không thể can thiệp vào hệ trục não bộ - tuyến yên - buồng trứng của cơ thể.
Nghiên cứu đăng trên Hiệp hội dinh dưỡng Mỹ cho thấy, phytoestrogen (có trong đậu nành) vào cơ thể thì được phân cắt và chỉ có 30-50% người có hệ vi sinh vật ruột có khả năng chuyển hóa thành dạng có hiệu quả sinh học mang lại hiệu quả cho sức khỏe. Hơn nữa, có những trường hợp phytoestrogen bị biến đổi và chuyển hóa thành phần sau khi đưa vào cơ thể nên không đạt hiệu quả như mong muốn.
"Một số phụ nữ có thể bị dị ứng với các hoạt chất thay thế nội tiết tố từ bên ngoài. Nếu quá trình bào chế không đảm bảo hoặc vì lợi nhuận họ đưa estrogen tổng hợp vào trong thành phần, với những phụ nữ có người thân đã bị ung thư vú, ung thư tử cung, buồng trứng thì nguy cơ phát triển ung thư có thể xảy ra càng cao", tiến sĩ Lê Thúy Tươi nói thêm.
Cơ thể không thể tự điều chỉnh được nội tiết tố
Chị em có thể chăm sóc não bộ - tuyến yên - buồng trứng để cơ thể tự cải thiện, cân chỉnh nội tiết tố nữ bằng các tinh chất từ thiên nhiên như lepidium meyenii, một loại thảo dược chứa các sterols quý được phụ nữ sử dụng từ lâu như phương thuốc gìn giữ sức khỏe.
Tiến sĩ Lê Thúy Tươi khuyên chị em nên điều chỉnh lối sống lành mạnh cũng như chế độ dinh dưỡng khoa học. Cụ thể, phụ nữ nên cân đối giữa làm việc và nghỉ ngơi, kiểm soát stress, thường xuyên vận động với những bài tập vừa sức, có chế độ dinh dưỡng cân đối các nhóm dưỡng chất thiết yếu (tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Tăng cường rau xanh, trái cây tươi, hạn chế mỡ, đường, muối, duy trì chỉ số cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì và bảo vệ tim mạch cũng rất cần thiết. Giữ ổn định bộ ba nội tiết tố estrogen, progesterone và testosterone là "chìa khóa vàng" duy trì suối nguồn tươi trẻ, níu giữ thanh xuân.
Quyên Phan