Béo bụng thường gặp do chế độ ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh như ăn nhiều thức ăn chứa dầu mỡ, nhiều tinh bột, ăn ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, lười vận động... Tuy nhiên, cũng có nhiều chị em tuy ăn uống lành mạnh vẫn béo bụng do rối loạn nội tiết.
BS.CKI Phan Thị Thùy Dung (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) chia sẻ, rối loạn nội tiết tố là nguyên nhân gây ra nhiều phiền muộn cho chị em như nổi mụn, kinh nguyệt không đều, nhất là tăng cân, béo bụng. Dưới đây là 4 dấu hiệu cho thấy béo bụng do rối loạn nội tiết ở phụ nữ.
Ăn nhưng không thấy no
Nếu ăn nhiều nhưng không thấy no là dấu hiệu gợi ý bạn nên đi khám chuyên khoa Nội tiết. Sự rối loạn nội tiết tố do estrogen suy giảm sẽ làm ảnh hưởng lớn đến hormone leptin. Leptin được sản xuất bởi các mô mỡ và có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cân nặng.
Bác sĩ Dung giải thích, ở người bình thường, hormone leptin hoạt động bằng cách truyền thông tin đến não rằng cơ thể đã có đủ chất béo dự trữ. Từ đó, não "truyền lệnh" cho cơ thể tự đốt cháy calo dự trữ đang dư thừa và khi có đủ lượng calo để dùng thì chúng không phát tín hiệu cơ thể đang đói. Nếu thiếu leptin, cơ thể luôn báo tín hiệu đang đói. Đây là nguyên nhân vì sao bạn ăn nhiều nhưng vẫn cảm thấy không no.
Luôn thấy căng thẳng, mệt mỏi
Bác sĩ Thùy Dung chia sẻ thêm, khi cơ thể mệt mỏi, căng thẳng kéo dài dẫn đến stress, làm cho tuyến thượng thận tiết ra nhiều hormone cortisol. Nồng độ cortisol cũng tăng khi bạn làm việc quá sức hoặc thiếu ngủ. Dư thừa hormone này làm rối loạn nội tiết khiến cơ thể mất khả năng kiểm soát tích trữ mỡ bụng, dẫn đến mất kiểm soát về cân nặng. Sự thay đổi nội tiết nhiều phần lớn do tác động từ tâm lý, chế độ sinh hoạt của mỗi cá thể.
Thường xuyên thèm đồ ngọt
Người có bụng béo và thường xuyên thèm đồ ngọt có thể đang gặp phải tình trạng kháng insulin. Khi nồng độ insulin tăng cao khiến hormone leptin tăng theo, gây ra việc mất cân bằng. Hormone leptin tăng sẽ gây rối loạn chức năng làm việc, khiến cho việc gửi tín hiệu dư chất béo dự trữ lên não bị gián đoạn. Do vậy, bạn luôn cảm thấy thèm ăn và đặc biệt là thèm đồ ăn có lượng đường cao.
Thường xuyên mất ngủ, hay cáu gắt
Hormone progesterone giúp hệ thần kinh trung ương cảm thấy thoải mái, bình tĩnh và duy trì giấc ngủ ổn định. Mất ngủ thường xuyên ở nữ giới chủ yếu là do nồng độ progesterone bị suy giảm. Vì vậy, khi thiếu hormone progesterone, bạn sẽ bị khó ngủ, tâm trạng dễ trở nên cáu gắt, căng thẳng. Khó ngủ và hay cáu gắt khiến cơ thể bạn tiết ra nhiều hormone cortisol, dễ gây tích tụ nhiều mỡ dưới bụng.
Béo bụng không chỉ là việc xuất hiện lớp mỡ dày dưới da bụng mà còn gây ra tình trạng tích mỡ ở nội tạng. Nếu mỡ nội tạng kéo dài có thể gây ra các biến chứng về tim mạch, tiểu đường, ung thư đại trực tràng... Béo bụng do rối loạn nội tiết sẽ khó giảm cân hơn so với việc béo bụng do ăn nhiều.
Cách cân bằng nội tiết
Theo bác sĩ Thùy Dung, mất cân bằng nội tiết ở nữ giới ảnh hưởng rất nhiều đến vóc dáng, sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Để giúp cân bằng, chị em nên nắm rõ về chế độ ăn uống và chế độ sinh hoạt dưới đây.
Chế độ dinh dưỡng khoa học: mỗi người có chế độ dinh dưỡng khác nhau tùy vào độ tuổi và giới tính. Phụ nữ từ 25 tuổi trở lên nên hạn chế sử dụng các thực phẩm có đường và tinh bột, bổ sung đủ lượng protein từ 20-30% trong một bữa ăn.
Ăn đa dạng các loại thực phẩm lành mạnh: để bổ sung đủ vitamin và khoáng chất từ nhiều nguồn. Chị em nên ăn nhiều rau xanh, các loại hạt, ngũ cốc; hạn chế ăn các đồ chiên, nấu có nhiều dầu mỡ và tẩm nhiều gia vị. Các loại chất béo tốt từ cá, hoặc dầu oliu, dầu cọ... cũng rất có lợi.
Tập thể dục thường xuyên: duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày giúp giữ cân nặng ở mức lý tưởng và có khả năng tăng độ nhạy của insulin.
Ngủ đủ giấc: tập thói quen ngủ sớm trước 23h và ngủ đủ từ 7-8 tiếng mỗi đêm. Khi có giấc ngủ ngon, não được nghỉ ngơi đủ thì mới có thể hoạt động hiệu quả.
Ngoài việc thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh, phụ nữ nên khám sức khỏe định kỳ để được phát hiện kịp thời dấu hiệu về rối loạn nội tiết, có hướng điều trị sớm.
Đinh Tiên