BS.CKI Phan Thị Thùy Dung (khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, có nhiều triệu chứng rối loạn nội tiết. Người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau tùy vào sự mất cân bằng của mỗi tuyến.
Dấu hiệu
Rối loạn nội tiết ảnh hưởng đến cả hai giới trưởng thành với dấu hiệu như: tăng cân, bướu mỡ giữa hai vai, giảm cân không rõ nguyên nhân; mệt mỏi, yếu cơ, đau cơ, cứng hoặc sưng ở khớp; tăng hoặc giảm nhịp tim; đổ mồ hôi, tăng nhạy cảm với lạnh hoặc nóng. Người bệnh có thể bị táo bón hoặc tiểu nhiều, khát liên tục, nhanh đói; giảm ham muốn tình dục, trầm cảm, hồi hộp, lo lắng hoặc khó chịu; mờ mắt, tóc dễ gãy hoặc tóc mỏng... Các triệu chứng do thay đổi nội tiết sẽ phản ánh các tình trạng bệnh khác nhau.
Trẻ em bắt đầu sản xuất hormone giới tính trong tuổi dậy thì. Một số trường hợp trẻ bị thiểu năng sinh dục do rối loạn nội tiết với những triệu chứng bao gồm khối lượng cơ bắp ít phát triển; giọng nói không trầm; lông trên cơ thể mọc thưa thớt; bộ phận sinh dục kém phát triển.
Một số còn có thể có chiều dài tay, chân không cân xứng so với cơ thể; nữ hóa tuyến vú. Nữ hóa tuyến vú là tình trạng tuyến vú ở nam phát triển lớn hơn bình thường, do mất cân bằng nội tiết, khiến giảm testosterone, tăng estrogen. Không có kinh nguyệt, mô vú không phát triển, chậm tăng trưởng cũng là dấu hiệu của rối loạn nội tiết.
Nguyên nhân
Các hormone trong cơ thể thay đổi trong suốt cuộc đời, thậm chí lên xuống trong ngày. Sự thay đổi rõ rệt của các hormone diễn ra ở tuổi dậy thì, thai kỳ, mãn kinh. Tuy nhiên, có một vài nguyên nhân khiến các hormone thay đổi vào các thời điểm bất thường; thường gặp nhất là stress căng thẳng, do dùng thuốc, corticoid. Những nguyên nhân này thường gây ra các ảnh hưởng tạm thời, có thể điều chỉnh được nếu thay đổi thuốc hoặc cải thiện căng thẳng.
Các bệnh mạn tính cũng có liên quan đến rối loạn hormone. Các rối loạn hormone có ý nghĩa bệnh lý thường do các nguyên nhân như: khối u, chấn thương hoặc phá hủy các tuyến nội tiết, các bệnh tự miễn.
Chẩn đoán
Bác sĩ Thùy Dung chia sẻ thêm, các triệu chứng của rối loạn nội tiết rất khác nhau, phụ thuộc vào từng tuyến nội tiết. Một số triệu chứng dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Xét nghiệm giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh qua từng giai đoạn. Chẩn đoán hình ảnh bao gồm siêu âm, chụp CT, chụp MRI, đánh giá khối u. Bác sĩ có thể kiểm tra những bất thường về gene làm tăng nguy cơ gây bệnh nội tiết hoặc ảnh hưởng đến phản ứng điều trị. Xét nghiệm máu giúp xác định mức độ hormone cao hay thấp.
Điều trị rối loạn nội tiết
Có nhiều cách điều trị rối loạn nội tiết, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị thích hợp tùy vào từng tình trạng bệnh. Khi có tình trạng thiếu hụt hormone, phương pháp điều trị chính là các hormone thay thế. Tùy thuộc vào loại thiếu hụt mà người bệnh có thể bổ sung bằng đường uống hoặc đường tiêm. Ví dụ, các trường hợp suy tuyến giáp thường được điều trị bằng hormone giáp tổng hợp. Các trường hợp thiếu hormone tăng trưởng thường được tiêm hormone tăng trưởng tổng hợp.
Có nhiều phương pháp điều trị cho bệnh nhân bị dư thừa hormone trong máu. Ví dụ, khi bệnh nhân có khối u tiết prolactin làm tăng prolactin máu, bác sĩ thường chỉ định thuốc uống để teo nhỏ khối u và phẫu thuật khi cần thiết.
Cách phòng ngừa
Nhiều bệnh lý rối loạn các hormone không thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, theo bác sĩ Thùy Dung, thay đổi thói quen ăn uống, lối sống lành mạnh có thể giúp tăng cường sức khỏe và giữ cân bằng các hormone trong cơ thể.
Mọi người nên giữ cân nặng hợp lý; có chế độ ăn khoa học, cân bằng; luyện tập thể dục đều đặn; giảm stress căng thẳng. Ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh thức khuya; không hút thuốc lá; kiểm soát các bệnh lý mạn tính (nếu có) cũng giúp phòng ngừa tình trạng này.
Phát hiện sớm những bệnh liên quan rối loạn nội tiết tố giúp người bệnh điều trị kịp thời, bảo vệ sức khỏe tốt hơn. Nếu cơ thể có những triệu chứng bất thường, người bệnh nên đến bác sĩ nội tiết khám để tìm ra nguyên nhân.
Mai Hoa