Anh Dũng đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám trong tình trạng nói hụt hơi, đau đầu, mệt mỏi, nuốt sặc, ói, đi đứng khó khăn, vào đầu tháng 7. Anh cho biết được bác sĩ tại một bệnh viện Hà Nội chẩn đoán mắc u vùng não thất 4, gần 3 năm nay và phẫu thuật cắt u não đầu năm 2022 nhưng tái phát. Một năm trở lại đây, bệnh diễn tiến xấu. Do khối u lớn, sâu, khi mổ có nhiều rủi ro nên bác sĩ từ chối phẫu thuật.
Ông Bằng, cha của người bệnh, đưa con từ Hải Phòng đến TP HCM để được mổ não sau khi biết có loại robot hỗ trợ bác sĩ điều trị thành công cho nhiều ca bệnh tương tự.
Kết quả chụp cộng hưởng từ MRI 3 Tesla, chụp DTI tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho thấy một khối u lớn nằm ở vùng não thất 4 (u tế bào lót ống nội tủy), đường kính 7 cm, nhiều thùy, có thùy lọt xuống tận đốt sống cổ C1. Khối u đã lan ra góc cầu tiểu não phải, ép toàn bộ thân não ra phía trước, chèn ép các dây thần kinh. Theo ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, đây là nguyên nhân khiến người bệnh bị ức chế hô hấp, tăng áp lực nội sọ.
Khối u nằm ở vị trí nguy hiểm và khó phẫu thuật, dễ làm tổn thương các chức năng thần kinh sau mổ. Tuy nhiên, bệnh nhân không được mổ sớm sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Các bác sĩ đánh giá robot mổ não thế hệ mới Modus V Synaptive có khả năng hỗ trợ bác sĩ tiếp cận và loại bỏ khối u an toàn cho người bệnh.
Ngày 4/7, ê kíp sử dụng robot và kính vi phẫu 3D thế hệ mới để hiển thị rõ và đa chiều mọi cấu trúc não. Trong suốt quá trình mổ, robot cho phép ê kíp thấy rõ khối u và các bó sợi thần kinh trên cùng một hình ảnh nhờ khả năng hòa hình MRI, DTI, CT, DSA... Bác sĩ tiếp cận và bóc tách khối u theo "đường đi" đã xác lập từ trước, tránh cắt đứt các bó sợi thần kinh và mô não lành. Đây là ưu điểm mà các kỹ thuật mổ não truyền thống không làm được. Khi tiếp cận khối u, các bác sĩ dùng máy hút phẫu thuật siêu âm (cusa) để tán nhỏ và từ từ hút lấy hết u ra ngoài. Bác sĩ giải thích không gắp nguyên khối u vì sẽ tăng nguy cơ va chạm, lôi kéo và làm tổn thương các vùng não lân cận.
Sau ba ngày, bệnh nhân tỉnh táo, phản ứng tốt, tri giác và sức cơ cải thiện, không còn nuốt sặc, khó thở nhờ các dây thần kinh sọ cuối đã được giải phóng. Đường dẫn truyền dịch não tủy được khai thông, giảm áp lực trong sọ, bệnh nhân đi lại được, không rối loạn thăng bằng.
"Tôi từng tuyệt vọng khi biết con có khối u não lớn, nguy hiểm, bác sĩ từ chối mổ. Giờ may mắn được phẫu thuật thành công, con khỏe mạnh, an toàn", ông Bằng nói.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
Tâm An