Các bệnh lý thần kinh - sọ não như u não, u màng não, u tuyến yên, u dây thần kinh, đột quỵ xuất huyết não... là những bệnh thuộc nhóm nguy hiểm nhất do ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Bộ não và hệ thần kinh trung ương chi phối gần như mọi chức năng của cơ thể từ đi lại, ngôn ngữ, thị lực đến tư duy, suy nghĩ, trí nhớ...
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ (Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, u não và đột quỵ xuất huyết não có thể xuất hiện ở bất kỳ ai và bất kỳ độ tuổi nào. Trong đó, đột quỵ xuất huyết não thường gặp ở những người từ độ tuổi trung niên trở lên, còn u não thường gặp hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi và người trên 60 tuổi.
Nguyên nhân thường gặp của đột quỵ xuất huyết não là do phình, vỡ phình hoặc dị dạng mạch máu não. Nhiều trường hợp xuất huyết não gây tụ máu ở não còn do khối u chèn ép mạch máu não hoặc do chấn thương, va đập đầu trong quá trình sinh hoạt, tập luyện, lao động... Trong khi đó, các u não có thể khởi phát trực tiếp từ tế bào não, tế bào đệm của hệ thần kinh trung ương (u não nguyên phát) hoặc bắt nguồn từ các bộ phận khác (như phổi, thận...) rồi theo máu đến não (u não thứ phát). Hiện có hơn 130 loại u não khác nhau, được chia theo tính chất gồm u não lành tính và u não ác tính.
Phương pháp điều trị phổ biến của các ca u não và xuất huyết não là phẫu thuật. Tuy nhiên, di chứng hậu phẫu thường gặp của mổ não có thể khiến người bệnh bị yếu liệt, khó nói, nhìn mờ, thậm chí tàn phế, tử vong, do làm tổn thương các dây thần kinh hay mô não lành.
Theo bác sĩ Chu Tấn Sĩ, các phương pháp mổ não kinh điển như dùng định vị Navigation, kính vi phẫu... tuy vẫn có thể lấy được khối u hay khối máu tụ ra khỏi não. Tuy nhiên, các phương pháp này không thể giúp bác sĩ nhìn thấy toàn diện các bó sợi thần kinh trong mối tương quan với khối u, khối máu tụ trong suốt quá trình mổ, dẫn đến nguy cơ cao cắt gãy chúng và để lại di chứng nặng nề cho người bệnh. Sự ra đời của robot mổ não Modus V Synaptive ứng dụng trí tuệ nhân tạo là bước tiến trong ngành phẫu thuật thần kinh - sọ não trên thế giới và tại Việt Nam, giúp khắc phục những hạn chế của các phương pháp mổ não truyền thống.
Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết thêm, robot có khả năng hòa hình các hình ảnh chụp MRI, DTI, CT, DSA..., từ đó, giúp bác sĩ nhìn thấy rõ khối u não hoặc các vùng não bị tổn thương trong mối tương quan với các bó dẫn truyền thần kinh, các mô não lành... trên cùng một hình ảnh 3D. Robot cũng cho phép bác sĩ thực hiện mổ mô phỏng 3D trước khi mổ chính thức, chủ động chọn đường tiếp cận khối u an toàn, không phạm phải dây thần kinh và mô não lành, tránh tối đa các biến chứng hậu phẫu.
Robot Modus V Synaptive còn có chức năng giám sát trong suốt quá trình mổ, cảnh báo bằng các tín hiệu đèn (đỏ - vàng - xanh) giúp bác sĩ thao tác an toàn, đảm bảo đường mổ và các thiết bị mổ được đưa vào não đúng vị trí đã được xác lập trong cuộc mổ mô phỏng. Robot đã giúp các bác sĩ Bệnh viện Tâm Anh phẫu thuật thành công cho nhiều trường hợp u não, đột quỵ xuất huyết não cũng như các bệnh lý thần kinh - sọ não nguy hiểm khác.
Lại Giang
Nhằm cập nhật những thông tin mới nhất về kỹ thuật mổ u não và đột quỵ xuất huyết não bằng robot Modus V Synaptive, vào lúc 20h ngày 8/6/2023, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến phát trên fanpage VnExpress. Chương trình tư vấn tiếp tục diễn ra từ ngày 8/6-14/6 trên báo VnExpress, độc giả có thể theo dõi và đặt câu hỏi tại đây để được các bác sĩ giải đáp. |