Bà Nhàn (Bình Thuận) có dấu hiệu mờ mắt, yếu chi vào năm 2021. Các bác sĩ tại một bệnh viện ở TP HCM chẩn đoán bệnh nhân có khối u não. Khối u nằm ở vị trí nguy hiểm, nếu phẫu thuật thì kết quả 50/50. Gia đình không đồng ý phẫu thuật. Gần đây, khối u gây ra những triệu chứng nặng hơn, bà tái khám tại bệnh viện trước đây nhưng bác sĩ từ chối mổ vì rủi ro trong lúc phẫu thuật cao hơn so với hai năm trước.
ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ (Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết người bệnh đến khám vào ngày 27/6 trong tình trạng mắt nhìn đôi, lờ đờ, yếu liệt nửa người bên phải.
Hình ảnh MRI cho thấy khối u nằm ở vị trí nguy hiểm, sâu khoảng 14 cm trong não, ngay giữa đầu, mặt bám dốc xương đá. Khối u không đồng nhất, lổn nhổn, chỗ đậm chỗ mờ, kích thước không giới hạn rõ, khoảng 5x7 cm. Khối u đẩy lệch thân não và não thất 4 sang bên phải, choán chỗ gần hết nền sọ hố sau, khiến người bệnh bị liệt các dây thần kinh vận nhãn đi kèm các triệu chứng trên.
Bác sĩ Tấn Sĩ đánh giá khối u lớn, nằm sâu nhất trong não tính từ hộp sọ, các trường hợp như vậy không nhiều. Khối u còn nằm gần các vị trí trọng yếu của não nên rất khó để phẫu thuật thành công. Tuy nhiên, khối u này lành tính, nếu lấy được hết, bệnh nhân có cơ hội hồi phục.
Đường tiếp cận khối u như một cái hang. Dưới sự dẫn đường của robot mổ não ứng dụng trí tuệ nhân tạo Modus V Synaptive kết hợp kính vi phẫu 3D thế hệ mới giúp bác sĩ tiếp cận và đi sâu nhất vào khối u. Trong suốt quá trình mổ, robot cho phép các bác sĩ thấy rõ các bó sợi thần kinh xung quanh khối u trên cùng một hình ảnh nhờ khả năng hòa hình MRI, DTI, CT, DSA... Nếu đường tiếp cận và dụng cụ mổ có xu hướng đi lệch, robot cảnh báo bằng các tín hiệu đèn xanh, vàng, đỏ như đèn giao thông, nhằm tránh làm tổn thương dây thần kinh và mô não lành. Đây là điều mà các phương pháp mổ truyền thống chưa làm được. Ca mổ kéo dài 6 giờ, bác sĩ dùng máy cắt hút siêu âm Cusa tán nhỏ và gắp u ra từng miếng.
Theo bác sĩ Tấn Sĩ, hiện có 10 quốc gia ứng dụng robot Modus V Synaptive thế hệ mới, đa số ở châu Âu, Mỹ. Tại Việt Nam, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM hiện là đơn vị đầu tiên ứng dụng robot này.
Sau 2 ngày phẫu thuật, bệnh nhân phục hồi tốt, tỉnh táo, mắt nhìn rõ hơn và tình trạng yếu liệt bắt đầu cải thiện.
Sau mổ, cấu trúc bó dẫn truyền thần kinh của bệnh nhân đã trở về đúng vị trí giữa não, đường dẫn truyền được giải phóng. Khả năng phục hồi của bệnh nhân cao.
Tâm An
* Tên nhân vật đã được thay đổi.