Miền Bắc vừa trải qua đợt rét hại hơn 6 ngày, nhiệt độ trung bình dưới 13 độ, có lúc thấp nhất dưới 10 độ C. Ngày 2/2, Thầy thuốc ưu tú, PGS.TS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nhiệt độ giảm đột ngột khiến số người đến khám, nhập viện do bệnh hô hấp tăng nhanh. 2/3 trường hợp nhập viện Tâm Anh liên quan đến viêm phổi. Nhiều ca viêm phổi bội nhiễm, phải thở máy, điều trị bằng kháng sinh kéo dài.
"Thông thường, khi trời chuyển rét, người già từ 60 tuổi mắc bệnh hô hấp nhiều hơn. Trong khi, bệnh nhân nhập viện đợt này có nhiều người trẻ tuổi, phần lớn 35-50 tuổi", bác sĩ Hạnh nói.
Như chị Nga, 33 tuổi, đột ngột ho ra máu, khó thở, sốt 40 độ C kèm ho, đau mỏi toàn thân, vào viện cấp cứu. Chị có tiền sử giãn phế quản thùy dưới phổi phải, thường xuyên bị nhiễm trùng phổi, điều trị bằng thuốc kháng sinh. Gần đây miền Bắc rét đậm, chị tái nhiễm trùng phổi, nặng hơn các lần trước.
Người bệnh bị giãn phế quản, tổn thương mạch máu phổi gây ho ra máu cấp tính. Thùy dưới phổi phải thành ổ áp xe chứa đầy dịch mủ. Các ổ tổn thương phổi tạo thành hang, có tình trạng thông động tĩnh mạch. Nếu không nhanh chóng can thiệp, người bệnh có thể tiến triển thành ho ra máu, gây lụt phế quản, ngạt thở và tử vong.
Ê kíp can thiệp nút động mạch phế quản, bít tắc một phần mạch máu để cầm máu tạm thời. Người bệnh được phẫu thuật để loại bỏ phần thùy phổi phải không còn khả năng hồi phục, ngăn ngừa nhiễm trùng tái lại. Chị Nga tiếp tục được điều trị kháng sinh, kết hợp tập phục hồi chức năng phổi. Sức khỏe tiến triển tốt, chị được xuất viện sau hơn một tuần.
Thầy thuốc nhân dân, Phó giáo sư Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim, Mạch máu và Lồng ngực, cho biết phổi có khả năng đàn hồi. Sau 3-6 tháng, nếu người bệnh tập thở tốt, phần phổi còn lại ở bên cắt sẽ nở to ra gần như cũ, chức năng bình thường.
Trường hợp khác, ông Quyền, 54 tuổi, sốt 39 độ C, ho, khó thở, nhập viện gấp. Bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm phổi.
Ông Quyền hút thuốc lá, 40 bao mỗi năm, hút nhiều hơn khi trời lạnh. Sau khi điều trị kháng sinh 10 ngày, ông giảm viêm phổi, cai thở máy, sức khỏe tiến triển tốt.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội ghi nhận số ca hồi sức tích cực trong tháng 12 và tháng 1 tăng 60% so với trước đây. Trong đó, 75% số ca chuyển biến nặng phải thở máy hỗ trợ.
BS.CKI Phùng Quang Tùng, khoa Hồi sức tích cực, Chống đau và Chăm sóc giảm nhẹ, cho biết đa phần người bệnh nhập viện trên 80 tuổi, có nhiều bệnh nền phối hợp như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tiểu đường, đột quỵ não. Thời tiết lạnh là một trong những yếu tố nguy cơ khiến lượng bệnh nhân tăng cao hơn.
Người bệnh lớn tuổi mắc bệnh viêm phổi, nhập viện muộn khiến điều trị kéo dài. Để đảm bảo giữ ấm cho người bệnh suốt quá trình điều trị nội trú, bệnh viện Tâm Anh tăng cường chăn ấm cho người bệnh, duy trì điều hòa chế độ sưởi ấm. Đơn vị cũng bổ sung thực phẩm, đồ uống ấm nóng và giàu dinh dưỡng.
Phó giáo sư Hạnh khuyên mọi người khi ra ngoài trong thời tiết rét đậm nên giữ ấm kỹ phần mũi họng, cổ, ngực để phòng bệnh hô hấp. Người lớn tuổi, có bệnh nền tránh tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh, hạn chế ra ngoài vào sáng sớm hoặc tối muộn khi nhiệt độ xuống thấp nhất. Vệ sinh miệng, họng sạch sẽ, súc miệng bằng nước ấm pha muối loãng giúp sát trùng cổ, họng và hạn chế viêm họng.
Sau khi uống rượu bia, đồ uống có cồn, không nên ra ngoài trời lạnh ngay vì có thể tăng nguy cơ đột quỵ não, nhất là ở người có tiền sử tăng huyết áp hoặc các dị dạng mạch não. Tiêm ngừa cúm, phế cầu khuẩn phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh và nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Hoài Phạm
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |