Trả lời:
Hút thuốc là nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tiếp xúc với khói thuốc lâu có thể làm hỏng phổi và đường thở. Khi người hút có triệu chứng khó thở, ho khạc đờm, bệnh có thể đã ở giai đoạn muộn, tắc nghẽn đường thở nặng.
Hút thuốc còn là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư phổi, thậm chí là ung thư ở hầu hết cơ quan trong cơ thể, gia tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Vì vậy, dù chưa có bất thường sức khỏe, người bệnh vẫn nên bỏ hút thuốc càng sớm càng tốt.
Thời gian anh hút thuốc là 20 năm, trung bình mỗi ngày một bao, các bệnh cần ưu tiên tầm soát là ung thư phổi và COPD. Anh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa hô hấp để được khám và làm xét nghiệm cận lâm sàng như chụp cắt lớp vi tính phổi liều thấp, đo chức năng hô hấp, xét nghiệm máu, điện tim...
Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và bệnh lý nếu có mà bác sĩ hẹn anh thời gian tái khám phù hợp. Nếu là để kiểm tra sức khỏe, anh nên khám định kỳ 6-12 tháng mỗi lần.
Bên cạnh đó, anh chú ý ăn uống, sinh hoạt và vận động khoa học để nâng cao sức khỏe, giảm tác động của thuốc lá đến cơ thể. Anh có thể thử một số cách làm sạch phổi như sau:
Ho có tác dụng loại bỏ đờm, chất nhầy trong đường thở, giảm tắc nghẽn các đường dẫn khí nhỏ hơn và mở chúng ra để lấy oxy.
Tập thể dục giúp đường thở trong phổi luôn mở, tăng cường trao đổi oxy và đưa oxy tới những cơ quan bộ phận trong cơ thể.
Uống đủ nước với khoảng hai lít mỗi ngày có thể làm loãng đờm để ho tống đờm ra ngoài và làm sạch đường thở.
Tránh tiếp xúc với chất ô nhiễm: Tiếp xúc với các chất như khói bụi, thuốc lá gây viêm đường thở, làm tăng bài tiết chất nhầy khiến hấp thu oxy trở nên khó khăn hơn.
Sử dụng thực phẩm chống viêm: Khói thuốc lá có thể gây viêm mạn tính đường thở. Chế độ ăn phù hợp với một số thực phẩm chống viêm như quả việt quất, cải xoăn, quả ô liu... có tác dụng chống viêm tốt.
Thạc sĩ, bác sĩ Mai Mạnh Tạm
Phó khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |