Trả lời:
Túi mật là một cơ quan nhỏ, nằm bên phải bụng vùng dưới sườn và gan. Cơ quan này dự trữ dịch mật tiết ra từ gan. Dịch mật tiết vào ruột non tiêu hóa thức ăn.
Một số yếu tố như chế độ dinh dưỡng mất cân đối (ăn nhiều chất béo, cholesterol, ít chất xơ), ít vận động, sử dụng thuốc hạ cholesterol máu, thuốc có nồng độ estrogen... làm hình thành sỏi trong túi mật hoặc ống mật. Sỏi có thể nhỏ như hạt cát hoặc to như quả bóng bàn.
Sỏi mật là bệnh lý lành tính, nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tắc mật, biến chứng nguy hiểm. Phương pháp điều trị tùy theo kích thước, triệu chứng sỏi gây ra. Điều trị bằng thuốc và cắt túi mật (mổ hở hoặc nội soi) là phương pháp phổ biến.
Bác sĩ sẽ chỉ định mổ đối với ba trường hợp, gồm sỏi mật không có triệu chứng nhưng kích thước sỏi lớn hơn hai cm, thiếu máu tán huyết, thành túi mật dày hoặc có vôi hóa; nhiễm trùng nặng do bệnh miễn dịch: sắp thực hiện phẫu thuật ghép tạng.
Triệu chứng sỏi là đau quặn gây sốt. Sỏi kích thước nhỏ khoảng 0,2-0,3 cm nguy hiểm hơn sỏi lớn, vì dễ rơi xuống và mắc kẹt ở ngã ba mật tụy, gây tắc nghẽn đường lưu thông dịch tụy, ứ đọng dịch trong ống tụy.
Trường hợp của bạn dù không có triệu chứng nhưng sỏi kích thước khá lớn, cần cắt túi mật để phòng ngừa nguy cơ xấu. Không khuyến cáo dùng thuốc tan sỏi cho sỏi túi mật trên 0,5 cm do hiệu quả thấp. Hiện, cắt túi mật được thực hiện qua phẫu thuật nội soi ít xâm lấn, ít biến chứng, thời gian phục hồi nhanh.
Khi cắt túi mật, mật được giữ lại trong ống, tiết vào thức ăn để tiêu hóa chứ không mất đi hoàn toàn như lầm tưởng của nhiều người. Bạn nên yên tâm điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Sau phẫu thuật, cần thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống cân đối, ưu tiên thực phẩm dễ tiêu, tránh đồ ăn nhiều dầu mỡ, tăng cường chất xơ, trái cây tươi.
Người bệnh có thể sinh hoạt, tập thể dục bình thường với bài tập nhẹ nhàng, đơn giản, tránh vận động nặng khi ổn định. Nên thăm khám sức khỏe định kỳ, tẩy giun 6 tháng một lần. Đi khám khi xuất hiện triệu chứng bất thường như đau bụng, chướng bụng, sưng xung quanh vết mổ, sốt, buồn nôn.
BS.CKII Võ Ngọc Bích
Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả có thắc mắc về bệnh tiêu hóa có thể gửi câu hỏi tại đây để bác sĩ giải đáp.