Theo ThS.BS Hà Thùy Trang, Khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, đau bụng bên trái là triệu chứng thường gặp của nhiều bệnh tiêu hóa. Tùy từng bệnh, cơn đau có những đặc điểm khác nhau.
Dưới đây là một số bệnh về dạ dày, đường ruột có thể khiến bụng bên trái đau.
Viêm ruột thừa gây đau quanh rốn hoặc thượng vị. Sau 6-12 tiếng, cơn đau chuyển xuống vùng bụng dưới bên trái. Triệu chứng đau dữ dội, co cứng thành bụng tiến triển nghiêm trọng theo thời gian. Người bệnh có thể chán ăn, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, sốt trên 39 độ. Viêm ruột thừa là tình trạng cấp cứu khẩn cấp, cần được chẩn đoán và phẫu thuật kịp thời, tránh đe dọa đến tính mạng.
Viêm túi thừa làm phù nề ở các mô xung quanh. Bệnh phổ biến ở người trên 40 tuổi, triệu chứng gồm đau vùng bụng bên trái, đầy hơi, buồn nôn, sốt, co thắt dạ dày và thay đổi thói quen đại tiện. Nghỉ ngơi kết hợp dùng kháng sinh giúp kiểm soát triệu chứng, một số trường hợp nghiêm trọng cần phẫu thuật.
Viêm dạ dày ruột cũng dẫn đến đau bụng bên trái, kèm tiêu chảy, đại tiện ra máu, buồn nôn, ói mửa, ăn mất ngon, đau nhức cơ bắp... Bệnh xảy ra do vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng làm nhiễm trùng ruột, dạ dày hoặc đồng thời cả hai cơ quan.
Sỏi thận làm tắc nghẽn vận chuyển nước tiểu, khiến bụng bên trái đau. Cơn đau thường lan dần ra sau lưng hoặc vùng bụng dưới, một số trường hợp làm tổn thương cơ quan sinh dục. Đau bụng do sỏi thận thường kéo dài 20-60 phút, cơn đau quặn, giảm rồi tái phát. Triệu chứng khác như buồn nôn, bí tiểu, khó tiểu, tiểu ra máu, đau rát khi đi tiểu...
Người bệnh thường được chỉ định uống thuốc giảm đau, thuốc chống viêm hoặc kháng sinh nếu xảy ra nhiễm trùng hệ tiết niệu. Trường hợp nghiêm trọng cần thực hiện tán sỏi hoặc phẫu thuật.
Viêm loét đại tràng, bệnh Crohn cũng có triệu chứng này. Bệnh gây sưng, đỏ lớp niêm mạc bên trong đường tiêu hóa. Người bệnh có thể bị đầy hơi, tiêu chảy kèm máu, buồn nôn, ói mửa, sốt, ớn lạnh... Tùy vào mức độ bệnh, bác sĩ có thể chỉ định uống thuốc giảm viêm, thay đổi chế độ dinh dưỡng hoặc phẫu thuật để kiểm soát tổn thương.
Theo bác sĩ Thùy Trang, người bệnh nên ghi lại biểu hiệu cơn đau như đau quặn hay âm ỉ, cường độ đau, thời điểm khởi phát, đau khu trú hay lan sang vùng khác, biểu hiện bất thường đi kèm như nôn, sốt để cung cấp cho bác sĩ trong quá trình chẩn đoán. Người bệnh nên đi khám sớm nếu thấy đau bụng bên trái kéo dài hoặc kèm đau ngực, khó thở, sốt cao, nôn, đại tiện ra máu, đau bụng dữ dội, vàng da, sụt cân bất thường...
Để phòng ngừa các bệnh trên, nên xây dựng lối sống và chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh như uống đủ nước mỗi ngày, tập thói quen đi đại tiện đều đặn, ăn chậm nhai kỹ, chia nhỏ các bữa ăn, tập thể dục thường xuyên.
Lê Thùy
Độc giả đặt câu hỏi bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |