Trả lời:
Polyp túi mật là sự phát triển bất thường của các mô, nhô ra khỏi niêm mạc bên trong túi mật, thường được phát hiện tình cờ khi siêu âm bụng định kỳ, điều trị sỏi mật hoặc cơn đau quặn mật.
Hầu hết polyp túi mật lành tính, ít gây ra viêm nhiễm hay biến chứng đáng lo ngại. Polyp túi mật được phát hiện ở khoảng 4-7% người trưởng thành. Trong đó, 60-90% là hiện tượng giả polyp do sự lắng đọng của cholesterol bám vào thành túi mật. Khoảng 5-10% là polyp viêm (một loại mô sẹo do viêm mạn tính). Khoảng 5% polyp túi mật có thể tiến triển thành ung thư.
Kích thước polyp túi mật là yếu tố quan trọng để xác định mức độ nguy hiểm của bệnh lý. Đa phần các trường hợp polyp lớn hơn 1,5 cm, cấu trúc không cuống, đơn độc đều liên quan đến nguy cơ ung thư.
Tuy nhiên, đường kính polyp không phải là tiêu chí duy nhất để loại trừ ung thư, các yếu tố khác cần theo dõi như hình dạng, số lượng polyp, sự xuất hiện của sỏi mật... Do đó, polyp nhỏ hơn 1 cm, không triệu chứng đi kèm cũng cần được theo dõi định kỳ 6-12 tháng một lần, bằng siêu âm để tầm soát.
Polyp túi mật có thể to lên, gây tắc nghẽn đường mật hoặc ống dẫn mật, viêm tụy cấp tính, vàng da tắc mật. Nhưng các biến chứng này đều tương đối ít gặp.
Bất kỳ polyp túi mật nào xuất hiện với triệu chứng bất thường đều nên được cắt bỏ, nhất là khi có kích thước từ 0,6 cm trở lên. Polyp túi mật chưa có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ cần được theo dõi định kỳ bằng siêu âm.
Polyp túi mật không có triệu chứng đặc hiệu, thường phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ. Trường hợp của bạn không nói rõ loại polyp cũng như kích thước polyp túi mật nên không thể tư vấn cụ thể. Bạn nên đi khám định kỳ để được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng cách nếu mắc bệnh.
ThS.BS Nguyễn Huy Thành
Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |