Khớp háng có cấu tạo phức tạp, đóng vai trò quan trọng khi cơ thể vận động. Đây là một trong những khớp lớn và chịu lực nhiều trên cơ thể nên rất dễ bị tổn thương do tai nạn hoặc bệnh lý. Các bệnh phổ biến ở khớp háng bao gồm thoái hóa khớp, viêm khớp, hoại tử chỏm xương đùi, loạn sản khớp háng, gãy cổ xương đùi, bướu hoặc lao khớp háng...
Ngày 28/11, ThS.BS.CKI Đặng Khoa Học, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, trong các bệnh lý trên, thoái hóa khớp háng sau loạn sản khớp háng và hoại tử chỏm xương đùi là nguyên nhân thường gặp khiến chiều dài hai chân lệch nhau.
Thoái hóa khớp háng sau loạn sản khớp háng thường xảy ra sau nhiều năm bất thường cấu trúc giải phẫu do loạn sản khớp bẩm sinh, lớp sụn khớp bị bào mòn bởi nhiều yếu tố khác nhau. Còn hoại tử chỏm xương đùi thường do thiếu máu nuôi dưỡng, dẫn đến hoại tử xương và sụn. Điểm chung của hai bệnh này là gây đau dai dẳng và khó đi lại, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các bệnh này có nguy cơ làm thay đổi dáng đi, biến dạng khớp ...
Đơn cử, ông Tùng, 59 tuổi, thoái hóa khớp háng/loạn sản khớp háng nhiều năm, chiều dài hai chân lệch nhau 2,2 cm, đau đớn, khó đi lại. Còn anh Mạnh, 32 tuổi, hai chân lệch 2,8 cm, đi lại khập khiễng hàng chục năm. Đến năm 2019, anh mới được phát hiện hoại tử chỏm xương đùi.
Theo bác sĩ Học, với các trường hợp này, phương pháp điều trị cuối cùng khi không đáp ứng điều trị bảo tồn là thay khớp háng nhân tạo. Ông Tùng và anh Mạnh được thay khớp háng bằng phương pháp SuperPath. Ưu điểm của phương pháp này là không cần cắt nhóm cơ xoay ngoài và bao khớp sau, bảo tồn được nhóm cơ giữ vững khớp. Nhờ đó, người bệnh có thể đi lại nhẹ nhàng ngay ngày đầu tiên sau phẫu thuật, giảm tối đa nguy cơ trật khớp khi vận động sau này. Đường mổ ngắn nên cũng đảm bảo tính thẩm mỹ, giảm mất máu, người bệnh phục hồi nhanh hơn.
Bác sĩ lưu ý trong một số trường hợp, thời gian đầu sau khi phẫu thuật, đặc biệt trong năm đầu tiên, phần chuôi xương đùi có thể bị lún xuống, có thể lún đến 3-5 mm. Vì vậy, khi phẫu thuật, để cân chỉnh chiều dài chân phù hợp, bác sĩ cân nhắc các yếu tố như sức cơ, góc nghiêng khung chậu, khả năng lún trong tương lai ở người bệnh có mật độ xương khác nhau...
Những người có chiều dài hai chân chênh lệch nhiều, 2-3 cm trở lên, nếu lập tức đưa chiều dài chân về bằng nhau có thể dẫn đến tổn thương thần kinh tọa nên cần khám kỹ và xác định có cần cắt xương đùi kèm theo hay không.
"Ở người bình thường, nguy cơ chỉ khoảng 0,5-1,5%, nhưng với nhóm bệnh nhân này, nguy cơ tăng gấp 10 lần", bác sĩ Học nói, thêm rằng quá trình điều trị cố gắng đưa chiều dài hai chân về mức tối đa có thể.
Sau phẫu thuật, ông Tùng và anh Mạnh không còn đau, có thể tự đi lại không cần dùng nạng, chân gần như hết khập khiễng.
Bác sĩ Học cho biết tình trạng chân thấp chân cao nhiều năm đã phần nào ảnh hưởng đến khung chậu và cột sống nên hai người bệnh không thể lập tức chạy nhảy hoặc khôi phục dáng đi bình thường. Họ cần tối thiểu 6 tuần tập vật lý trị liệu.
Đa số bệnh ở khớp háng nếu được phát hiện kịp thời đều có thể giảm đau, cải thiện khả năng vận động và làm chậm tiến triển bệnh bằng các biện pháp điều trị bảo tồn như thuốc, vật lý trị liệu... mà không cần phẫu thuật. Do đó, bác sĩ lưu ý người bệnh nên khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám ngay khi có dấu hiệu bất thường như đau nhức khớp háng và xung quanh, khô cứng khớp, hạn chế vận động, khó thực hiện các động tác xoay dạng khớp...
Phi Hồng
* Tên người bệnh đã được thay đổi