Người bệnh sau phẫu thuật thay dây chằng thường bị đau cứng khớp, khó di chuyển và vận động, nhất là khi thực hiện các động tác gập duỗi.
ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết cứng khớp sau khi thay dây chằng nhân tạo có thể xảy ra do bó bột lâu ngày, tổn thương mặt sụn, không thực hiện phục hồi chức năng đầy đủ... Trong đó, phổ biến nhất là sử dụng dây chằng nhân tạo thế hệ cũ, được làm từ chất liệu carbon dễ đứt trong cơ thể người. Thao tác bện sợi dây chằng khi can thiệp thường làm mất tính đàn hồi và mềm dẻo của sợi.
Theo bác sĩ Vũ, người bệnh có thể giảm rủi ro cứng khớp sau phẫu thuật tái tạo dây chằng bằng hai cách:
Sử dụng dây chằng thế hệ mới được cải tiến phù hợp với sinh lý cơ thể, cấu tạo từ chuỗi 3.000 sợi polyethylene terephthalate đơn nên có độ linh hoạt và mềm dẻo cao. Người bệnh thoải mái vận động, thời gian phục hồi rút ngắn, có thể đi lại sau 1-2 ngày phẫu thuật và quay lại chơi thể thao sau 6 tháng, theo bác sĩ Vũ.
Tuân thủ phục hồi chức năng: Khi được chỉ định thay dây chằng, phần lớn người bệnh đều bị tổn thương nặng, tiên lượng kém nếu không phẫu thuật. Phục hồi chức năng giúp giảm các tổn thương hậu phẫu, nâng cao khả năng giữ thăng bằng, nhờ đó người bệnh phục hồi nhanh hơn.
Tập phục hồi chức năng đúng cách có thể cải thiện tỷ lệ cứng khớp sau phẫu thuật, hồi phục cơ lực và tầm vận động của khớp sau thời gian dài bất động vì phẫu thuật. Phác đồ phục hồi chức năng được cá nhân hóa cho từng người theo tình trạng bệnh và điều kiện sức khỏe.
Theo bác sĩ Vũ, sử dụng dây chằng nhân tạo trong phẫu thuật tái tạo dây chằng được áp dụng rộng rãi và ngày càng phổ biến vì mang đến nhiều lợi ích. Tuy nhiên, phương pháp này cũng có rủi ro nhất định. Để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tốt nhất, người bệnh nên điều trị tại các cơ sở y tế uy tín.
Bác sĩ Vũ gợi ý thêm một số phương pháp giảm cứng khớp tại nhà như chườm lạnh 15-20 phút, massage nhẹ nhàng khớp bị cứng và tập các chuyển động gập duỗi, sử dụng thuốc giảm đau...
Người bệnh nên bổ sung vitamin C và kẽm tăng cường sức khỏe tổng thể và giảm cơn đau. Không ăn thực phẩm chứa nicotine, caffeine và cồn như thuốc lá, rượu bia, cà phê, nước tăng lực. Những thực phẩm này làm chậm quá trình phục hồi và tăng nguy cơ xuất hiện các biến chứng như đau khớp, cứng khớp, huyết khối tĩnh mạch...
Cứng khớp là biến chứng tạm thời, thường gặp sau khi người bệnh thay dây chằng nhân tạo. Ở mức độ nhẹ, tình trạng này không ảnh hưởng quá nhiều đến chức năng vận động. Tuy nhiên, nếu cứng khớp kéo dài hơn 30 phút, thậm chí vài ngày, có thể cảnh báo các bệnh xương khớp nghiêm trọng. Người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời.
Hồng Phúc
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |