Cảm lạnh gây chảy nước mũi, nhức đầu, đau nhức cơ thể và đau họng gây khó chịu, ảnh hưởng đến các công việc hàng ngày. Thời tiết lạnh khiến các triệu chứng này trở nặng hơn, có thể kéo dài hàng tuần. Dưới đây là một số cách phòng ngừa cảm lạnh trong mùa đông.
Rửa tay thường xuyên
Virus gây cảm lạnh lây lan khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, có thể tồn tại trên tay, các bề mặt trong 24 giờ. Rửa tay kỹ bằng xà phòng, sau khi đi vệ sinh, từ ngoài về và trước khi ăn là điều cần thiết để tránh lây cảm lạnh.
Uống đủ nước
Một trong những điều quan trọng để phòng cảm lạnh là uống đủ nước (1,8-2 lít mỗi ngày). Nước lọc, nước trái cây, súp hoặc nước chanh ấm với một ít mật ong, gừng giúp thông mũi và ngăn ngừa mất nước. Tránh uống rượu, cà phê và đồ uống có gas vì chúng làm cơ thể mất nước trầm trọng hơn.
Tập thể dục
Tập thể dục không chỉ cần thiết để giảm cân hay xây dựng cơ bắp mà còn thúc đẩy tăng sức đề kháng, ngăn cảm lạnh. Vận động cải thiện quá trình tuần hoàn, thúc đẩy các tế bào miễn dịch hoạt động tốt hơn. Bằng cách này, nó giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Mọi người có thể thực hiện các bài tập như đi bộ, yoga, thiền, chạy và rèn luyện sức mạnh phù hợp thể trạng thường xuyên.
Súc miệng bằng nước ấm
Súc miệng vài giờ một lần bằng nước muối ấm. Nước muối có thể giảm mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng do virus, vi khuẩn. Nhiễm trùng đường hô hấp có thể xảy ra trong các trường hợp bệnh lý như cảm lạnh, cảm cúm, viêm họng... Nó làm ẩm cổ họng bị đau và ngứa, tạo sự thoải mái.
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C
Ăn nhiều trái cây và rau củ chứa vitamin C cũng đóng vai trò quan trọng, nhất là chống lại virus. Nước chanh, cam, bưởi, rau lá xanh, ớt chuông đều cung cấp vitamin C. Thêm nước chanh tươi vào trà nóng với mật ong giảm tích tụ đờm, rát họng.
Ăn uống lành mạnh
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng trong mùa cảm lạnh, cúm để bổ sung lượng chất dinh dưỡng dồi dào, giữ cơ thể khỏe mạnh. Ưu tiên bổ sung các món ăn giàu kẽm và vitamin D vì hai chất dinh dưỡng này giúp tăng cường khả năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc bệnh. Thực phẩm giàu kẽm (hải sản có vỏ, thịt đỏ, các loại hạt) và vitamin D (nấm, trứng, cá hồi, nước cam tăng cường).
Ngủ đủ giấc
Mất ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn. Ngủ đủ giấc là điều cần thiết để tăng khả năng phòng vệ của cơ thể. Giấc ngủ ngon vào ban đêm kích thích cơ thể sản xuất, giải phóng các cytokine - loại protein nhắm vào nhiễm trùng và viêm. Người lớn cần đảm bảo ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày để duy trì hệ miễn dịch.
Bảo Bảo (Theo Times of India)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |