Giảm đi giáo dục lý thuyết hàn lâm và tập trung nhiều hơn về phát triển kỹ năng, phẩm chất, con người, phát huy được hết những thế mạnh, tiềm năng của mỗi cá nhân... là những điều được tác giả Trunkslessj đề cập đến trong bài viết "Làm ba nghề nhưng không dùng đến tích phân"
Đồng tình với quan điểm trên, độc giả Lmaidung chia sẻ: "Chương trình giáo dục của Việt nam vẫn còn thiếu sót rất lớn ở khía cạnh 'học đi đôi với hành'. Có lẽ lý do là bởi ngay cả các thầy cô trước đây cũng được đào tạo một cách hàn lâm, thuần lý thuyết như vậy, nên thiếu đi phần thực hành các kiến thức sách vở để áp dụng vào thực tiễn.
Tất nhiên, không thể nói các công thức Toán học, Vật lý, Hóa học... không có nghĩa lý gì vì như vậy chẳng khác nào phủ nhận khoa học - kỹ thuật của loài người. Nếu vậy có lẽ chúng ta sẽ không có điện thoại để ngồi lướt Facebook, đọc báo mạng như bây giờ.
Theo tôi, học kiến thức ở cấp ba cũng giống như đi tập gym vậy: chỉ thực hiện các động tác lặp đi lặp lại để có vóc dáng đẹp, thể chất tốt hơn. Ở ngoài cuộc sống thực tế, đâu có ai áp dụng được mấy tư thế đứng dạng chân và đứng lên, ngồi xuống nhiều lần như vậy đúng không? Chuyện đi học và áp dụng kiến thức để làm bài tập ở trường cũng vậy, đó là cách rèn luyện tư duy cho não bộ, cung cấp thêm góc nhìn và thế giới quan cho bản thân mỗi người".
>> 'Lãng phí ba năm tuổi trẻ để cân bằng phương trình hóa học, giải tích phân'
Cho rằng, thiếu sót lớn nhất của giáo dục Việt Nam không phải lượng kiến thức quá thừa thãi mà là các người dạy truyền tải chưa hấp dẫn để khơi gợi đam mê của học sinh, bạn đọc Mainamhai nhấn mạnh: "Mảng công nghệ sinh học mà tôi đang làm Tiến sĩ tại Hemholtz (Đức) liên quan đến miễn dịch học, phải đo lường ái lực của protein (protein affinity) mà tôi đã phải dùng đến tích phân, nguyên hàm rồi, chứ chưa nói gì đến các mảng liên quan đến Toán, Lý hay Hóa. Thực sự, giáo dục tại Việt Nam, theo tôi có những cái đúng và cũng có nhiều điểm bất cập.
Không nói đâu xa, như tại Đức, nơi tôi đang theo học nghiên cứu, sách cấp ba của học sinh đã dạy rất nhiều thứ, đã có kiến thức nguyên hàm, tích phân, kiến thức sinh học và hóa học... rất đa dạng và phong phú. Chúng ta chỉ nặng phần bài tập vì làm nhiều, nhưng nếu so với các nước Hàn Quốc, Trung Quốc hay Ấn Độ, thậm chí là các nước kém phát triển hơn, thì khối lượng học tập của Việt Nam vẫn chưa là gì.
Có chăng, cái thiếu sót của giáo dục nước ta là cách hướng dẫn các em học sinh chưa thuyết phục. Vì kiến thức của giáo viên cấp ba là không đủ để có thể truyền tải hay tạo động lực cho các em. Nếu có thể tự hướng dẫn các em học, vừa giúp các em định hướng thì quá tốt".
>> 'Ráng học cho cha mẹ được nhờ'
Trong khi đó, nhìn nhận câu chuyện ở một góc độ khác, độc giả Vantungth cho rằng, vấn đề của giáo dục Việt Nam không nằm ở bậc học phổ thông: "Thực ra giáo dục phổ thông của Việt Nam không phải là vấn đề lớn. Có bất cập như còn thiếu giáo dục kỹ năng mềm hay nghệ thuật, thi ca. Nhưng vấn đề lớn nhất là phương pháp đào tạo. Từ các trường nghề đến các trường đại học đều đang đào tạo kém hiệu quả. Dù đã cải thiện, nhưng chúng ta vẫn đặt nặng đầu vào và nhẹ đầu ra. Ai từng học đại học đều thấy ở bậc học này yêu cầu sự cố gắng ít hơn rất nhiều so với thời phổ thông, nhất là khi học để ôn thi vào đại học (tất nhiên không thể phủ nhận có nhiều sinh viên thực sự nỗ lực và chăm chỉ, nhưng số này chỉ là thiểu số).
Một điều rất dễ nhận thấy là học sinh học phổ thông ở Việt Nam nhưng ra nước ngoài du học đại học (du học tự túc) thì chất lượng tốt nghiệp phân loại khác nhau rất nhiều. Trong khi đánh giá chất lượng học sinh phổ thông (do các tổ chức giáo dục quốc tế đánh giá) của Việt Nam cũng không thua kém quá nhiều các nước phát triển.
Và tôi thấy giáo dục đào tạo của chúng ta mấy chục năm nay vẫn loay hoay xoáy vào cải cách giáo dục phổ thông, thay đổi hết kiểu này đến kiểu khác. Nhưng gần như chúng ta rất ít nói đến thay đổi cốt lõi đào tạo nghề, đào tào đại học hay kể cả các cấp cao hơn. Nếu chúng ta làm tốt khâu đào tạo này thì sẽ phân loại được học sinh, phân loại được lao động, nâng cao được chất lượng lao động cũng như hạn chế tình trạng thừa thầy thiếu thợ như lâu nay vẫn diễn ra".
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.