Ông Giang đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM khám sức khỏe ngày 22/7 do khối phồng thoát vị. Kết quả siêu âm tuyến giáp, chụp cắt lớp vi tính (CT) ngực ghi nhận bướu tuyến giáp thòng trung thất, kích thước thùy phải 10 cm, thùy trái 8 cm, chèn ép đường thở.
BS.CKII Nguyễn Quốc Thái, Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa - Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết người bệnh được phẫu thuật nội soi "2 trong 1" gồm nội soi đặt lưới nhân tạo điều trị thoát vị bẹn và cắt toàn bộ tuyến giáp để ngăn bướu tăng kích thước.
Hậu phẫu, bệnh nhân hồi phục nhanh, có thể ăn uống, đi lại bình thường sau 24 giờ, xuất viện sau hai ngày.
Theo bác sĩ Thái, ông Giang được phát hiện hai bệnh cùng lúc, đều ở giai đoạn sớm, điều trị thành công. Nếu thoát vị bẹn để lâu làm tăng khó chịu, đau tức vùng bẹn nếu đứng lâu, ho khi gắng sức. Tạng thoát vị trồi ra ngoài có thể bị chấn thương, dẫn tới phù nề, nhiễm trùng, tắc ruột, hoại tử, nguy hiểm đến tính mạng.
Với trường hợp ông Giang, bướu phát triển lớn sẽ chèn ép khí quản, có thể chặn đường thở, dẫn tới biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp.
Thoát vị bẹn là một tạng trong bụng không nằm ở vị trí thông thường mà chui ra khỏi một điểm yếu trên thành bụng ở vùng bẹn. Tình trạng này thường gặp ở người lớn do cơ thành bụng yếu. Một số yếu tố nguy cơ gây bệnh khác như di truyền, nam giới, ho mạn tính, táo bón mạn tính, hút thuốc lá, phụ nữ có thai, trẻ sinh non, chấn thương vùng bẹn.
Phẫu thuật nội soi đặt lưới nhân tạo ngoài phúc mạc (một màng bọc lót mặt trong thành bụng, bảo vệ các cơ quan trong ổ bụng) để gia cố phần thoát vị. Phương pháp này giúp điều trị thoát vị bẹn ít xâm lấn, ít đau, để lại sẹo nhỏ, mau phục hồi.
Người bệnh có bướu giáp nghi ngờ u ác hoặc lành tính, nguy cơ chèn ép các cơ quan lân cận như khí quản, thực quản cần cắt hoàn toàn tuyến giáp để điều trị.
Quyên Phan
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để được bác sĩ giải đáp.