Ruột thừa là ống nhỏ như ngón tay, hẹp và dài khoảng vài centimet, nằm ở đoạn cuối manh tràng, nơi tiếp nối giữa ruột non, ruột già. ThS.BS Hà Phú Xuân, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết cơ quan này ở trẻ nhỏ là một phần của hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Ở người trưởng thành, ruột thừa ngừng nhiệm vụ này, chức năng chính chưa được xác định.
Viêm ruột thừa xảy ra khi lỗ thông giữa ruột thừa và manh tràng bị tắc nghẽn do dị vật, phân hoặc khối u. Lúc này, vi khuẩn, virus, ký sinh trùng có thể sinh sôi, gây căng chướng, sưng tấy, thiếu máu, mưng mủ. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, phổ biến nhất là 10-30 tuổi.
Bệnh thường khởi đầu với triệu chứng đau thắt bụng đột ngột. Vị trí đau thay đổi tùy vào độ tuổi, vị trí của ruột thừa. Thông thường, bộ phần này nằm ở hố chậu phải. Trong vài trường hợp, nó có thể xuất hiện ở vùng dưới gan phải, giữa ổ bụng, giữa các quai của ruột non hoặc vùng bụng dưới bên trái. Ở phụ nữ mang thai, ruột thừa bị đẩy lên cao, điểm đau thường đến từ phía bụng trên, không giống bình thường.
Hầu hết người bệnh thường đau từ bụng dưới bên phải, khởi đầu nhẹ, sau đó tiến triển thành cơn đau dữ dội trong vài giờ. Hoặc đau quanh rốn (vùng thượng vị), rồi lan sang vùng mạn sườn phải và khu trú ở hố chậu phải.
Cơn đau dữ dội hơn khi người bệnh ho, hắt hơi, hít thở sâu hoặc cử động. Người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc không, kèm rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc táo bón, nôn, buồn nôn, đầy hơi, chướng bụng, khó xì hơi. Sốt cao là biểu hiện của tình trạng viêm nặng.
Viêm ruột thừa là tình trạng khẩn cấp, cần điều trị kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc. Tình trạng này xảy ra khi ruột thừa vỡ, khiến mủ và phân lan vào ổ bụng, gây viêm lan rộng. Người bệnh có thể tử vong nếu không được phẫu thuật cấp cứu và làm sạch khoang bụng.
Theo bác sĩ Phú Xuân, nguy cơ thủng ruột thừa chiếm khoảng 20% trước 24 giờ kể từ khi biểu hiện đầu tiên xuất hiện. Ước tính 65% người bệnh viêm ruột thừa cấp gặp biến chứng này sau 48 giờ.
Một số trường hợp sau vỡ ruột thừa, quai ruột và mạc treo kết dính, nối bao lại thành túi mủ trong ổ bụng, gọi là áp xe. Ở thai phụ, viêm ruột thừa có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, nguy hiểm đến tính mạng mẹ và bé. Nếu điều trị trong giai đoạn mang thai, khả năng dính ruột hoặc tắc ruột cao, tăng nguy cơ sinh non hoặc sẩy thai hậu phẫu.
Bác sĩ Phú Xuân cho biết thêm viêm ruột thừa ngay cả khi không biến chứng vẫn có nguy cơ tái phát cao trong thời gian ngắn, chỉ chữa khỏi dứt điểm nhờ phẫu thuật. Hiện phẫu thuật nội soi ổ bụng là phương pháp chiếm ưu thế trong chẩn đoán và điều trị. Phương pháp này có nhiều ưu điểm như quan sát được toàn ổ bụng, thời gian thực hiện ngắn, ít để lại sẹo, ít đau, giảm tỷ lệ nhiễm trùng vết mổ, hồi phục nhanh.
Khi viêm ruột thừa bị vỡ, nhiễm trùng tràn ra ổ bụng, bệnh nhân cần được mổ mở để loại bỏ ruột thừa viêm và làm sạch khoang bụng. Người có áp xe ruột thừa cần được dẫn lưu mủ ra ngoài thành bụng.
Tình trạng này có liên quan trực tiếp đến chế độ ăn ít chất xơ, táo bón lâu ngày, ít vận động, thừa cân, béo phì. Bác sĩ khuyên mọi người phòng ngừa bằng cách ăn nhiều rau xanh, hoa quả, các loại đậu, bột yến mạch, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt... Uống nhiều nước, bỏ hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên cũng thúc đẩy chức năng ruột, giảm nguy cơ tắc nghẽn trong đại tràng.
Trịnh Mai