Trẻ em mắc tăng động giảm chú ý (ADHD) thường có mức năng lượng cao. Nếu con bạn hiếu động và khó ngồi yên, chúng có thể đang biểu hiện một số dấu hiệu của bệnh tăng động giảm chú ý. Nhưng nếu con cũng có thể kiểm soát sự bốc đồng và cảm xúc của mình, có sự chú ý và phản ứng phù hợp ở trường và ở nhà thì có thể đây là một đứa trẻ tràn đầy năng lượng và không bị ADHD. Một số biểu hiện cụ thể có thể được phân tích theo bảng dưới đây:
Trẻ tăng động giảm chú ý |
Trẻ hiếu động |
Hoạt động liên tục ở mọi nơi | Chỉ hoạt động liên tục ở nơi quen thuộc |
Bốc đồng | Luôn luôn bận rộn |
Khó kiểm soát cảm xúc, hành vi | Có khả năng kiểm soát cảm xúc, hành vi |
Không có sự chú ý | Có khả năng chú ý |
Dù các triệu chứng điển hình để xác định khả năng trẻ bị tăng động có thể bao gồm hiếu động thái quá, bốc đồng và thiếu tập trung, không phải tất cả trẻ em (hoặc người lớn) bị ADHD đều có các triệu chứng này theo cách giống nhau hoặc ở cùng một mức độ. Bạn sẽ thấy những thay đổi trong cách con biểu hiện hoặc thể hiện khi chúng trải qua các giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Suy giảm khả năng học tập là chìa khóa để phân biệt tăng động giảm chú ý với trẻ hiếu động bình thường.
Dấu hiệu khác ở trẻ tăng động giảm chú ý
Tính hiếu động thái quá và các đặc điểm cơ bản khác như bốc đồng và thiếu tập trung chỉ là "phần nổi" của "tảng băng chìm" ở những đứa trẻ mắc chứng ADHD. Bên cạnh đó một số vẫn có những biểu hiện, đặc điểm không rõ ràng sau:
Xử lý thông tin kém: Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường gặp khó khăn trong việc xử lý thông tin. Điều này có thể tạo ra các vấn đề trong lớp học, nơi học sinh được kỳ vọng phải hiểu và phản hồi thông tin một cách nhanh chóng và chính xác.
Khó điều tiết cảm xúc: Trẻ bị tình trạng này rất dễ trở nên thất vọng, choáng ngợp và gặp khó khăn trong việc điều chỉnh cảm xúc của mình. Những triệu chứng này có thể cản trở các mối quan hệ xã hội, dẫn đến cảm giác bị cô lập và ảnh hưởng đến lòng tự trọng.
Không có khả năng tự chủ: Trẻ bị tăng động giảm chú ý thường gặp khó khăn với các vấn đề như tổ chức, lập kế hoạch, sắp xếp thứ tự ưu tiên, chú ý và ghi nhớ chi tiết. Những rắc rối này có thể trở thành vấn đề trong nhiều cuộc sống của con từ chơi các môn thể thao, làm việc nhóm hoặc chơi đùa cùng bạn bè...
Phát triển chậm thể tinh thần: Trẻ em mắc ADHD cũng có xu hướng phát triển chậm về tinh thần hơn so với các bạn cùng trang lứa. Do đó, một đứa trẻ 11 tuổi bị ADHD có thể suy nghĩ và cư xử giống như một đứa trẻ hơn là một thiếu niên mới lớn. Điều này có nghĩa là kể cả ở giai đoạn thanh thiếu niên, trẻ mắc chứng ADHD có thể thiếu khả năng phán đoán cần thiết để đưa ra lựa chọn đúng đắn về rủi ro và các hoạt động có khả năng gây hại.
Nguyên nhân khiến trẻ bị tăng động
Tình trạng sức khỏe tâm thần: Một số tình trạng sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng đến hoạt động và mức năng lượng bao gồm căng thẳng, lo âu và rối loạn lưỡng cực.
Tình trạng y tế: Một số điều kiện y tế cũng có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng, bao gồm cường giáp và rối loạn chức năng thần kinh.
Thiếu hoạt động thể chất: Hoạt động thể chất không đủ cũng có thể dẫn đến cảm giác bồn chồn và năng lượng cao dồn nén do không được tương tác.
Mệt mỏi: Trẻ bị ADHD cũng có thể gặp khó khăn khi ngủ và bị mệt mỏi khiến việc điều chỉnh cảm xúc và hành vi trở nên khó khăn hơn.
Nếu con bạn đang phải đối mặt với chứng hiếu động thái quá, hãy đi thăm khám sớm. Bác sĩ nhi khoa có thể đánh giá các triệu chứng, loại trừ các tình trạng khác để chẩn đoán và đề xuất các phương pháp điều trị cũng như chiến lược đối phó.
Bảo Bảo (Theo Very Wellmind)