Nhiều cha mẹ nhận thấy, sau khi ăn đồ ngọt, con mình có biểu hiện hiếu động và thậm chí có nhiều hành vi thái quá. Tuy nhiên, một phân tích tổng hợp từ 23 thí nghiệm và 16 bài báo khoa học đăng trên tạp chí y tế truy cập mở thuộc Hiệp hội Y khoa Mỹ JAMA năm 1995 đã kết luận từ các dữ liệu cho thấy đường (chủ yếu là đường sucrose) không ảnh hưởng đến hành vi hoặc hiệu suất nhận thức ở trẻ em.
Dù không loại bỏ khả năng xảy ra phản ứng nhạy cảm với đường ở một số trẻ nhưng nhìn chung, các nhà khoa học chắc chắn không có tác động lớn từ đường như báo cáo của nhiều bậc cha mẹ.
Một số cha mẹ cho rằng con của mình đặc biệt nhạy cảm với đường. Để kiểm tra mức độ chính xác của nhận định này, một nhóm các nhà nghiên cứu đã so sánh hai nhóm trẻ em: nhóm gồm 25 trẻ tuổi từ 3-5 và nhóm gồm 23 trẻ em, tuổi từ 6-10 được cha mẹ nghi ngờ nhạy cảm với đường. Mỗi gia đình lần lượt tuân theo ba chế độ ăn thử nghiệm trong 3 tuần bao gồm: chế độ ăn nhiều đường sucrose, không có chất làm ngọt nhân tạo; ít sucrose nhưng có chất làm ngọt aspartame và chế độ ăn ít sucrose nhưng có saccharin làm chất tạo ngọt.
Cả ba chế độ ăn trên đều không sử dụng màu thực phẩm nhân tạo, chất phụ gia và chất bảo quản. Sau mỗi tuần, các nhà khoa học đã tiến hành đánh giá hành vi và khả năng nhận thức của trẻ. Sau khi phân tích, các tác giả kết luận:
Đối với những trẻ được cho là nhạy cảm với đường, không có sự khác biệt đáng kể giữa ba chế độ ăn trên với hành vi và nhận thức nào. Đối với trẻ 3-5 tuổi cũng không có sự khác biệt nào.
Năm 2017, một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Quốc tế về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng Mỹ liên quan đến thông tin điều tra tác động của việc dung nạp đường đối với giấc ngủ và hành vi của 287 trẻ trong độ tuổi 8-12 tuổi. Các nhà khoa học đã thu thập thông tin thông qua bảng câu hỏi về tần suất tiêu thụ thực phẩm, nhân khẩu học, giấc ngủ và hành vi ở trẻ và trong số đó có tới 81% trẻ tiêu thụ nhiều hơn lượng đường khuyến nghị hàng ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu kết luận rằng tổng lượng đường tiêu thụ không liên quan đến các vấn đề về hành vi hoặc giấc ngủ ở trẻ.
Từ các nghiên cứu trên cho thấy có vẻ như đường không ảnh hưởng đến hành vi hay chứng tăng động ở trẻ và nếu có tác động đến chứng hiếu động thái quá thì tác động này không lớn, không phổ biến ở trẻ em. Cha mẹ cũng cần hiểu rõ, một số yếu tố liên quan đến chứng hiếu động ở trẻ bao gồm: tính cách, rối loạn cảm xúc hay các vấn đề về giấc ngủ. Trong tương lai, nhiều nghiên cứu lớn hơn, cụ thể hơn có thể đưa ra những kết luận mới nhưng bằng chứng hiện tại cho thấy mối nghi ngại này chỉ là lầm tưởng.
Mặc dù vậy, cha mẹ cũng cần lưu ý là ăn quá nhiều đường có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ở trẻ như tiểu đường, tăng cân, sâu răng và bệnh tim... Do đó, cần theo dõi lượng đường hàng ngày của con và điều chỉnh hợp lý, đặc biệt ở các đồ ăn mà trẻ ưa thích như bánh ngọt, kẹo ngọt, nước ngọt, sữa có đường...
Bảo Bảo (Theo Medical News Today)