Chứng nhuyễn xương chủ yếu do thiếu vitamin D khiến xương mềm. Đây là một rối loạn liên quan đến suy giảm khoáng chất khiến cấu trúc xương bị phá vỡ nhanh. Trong khi bệnh loãng xương là tình trạng khối lượng xương giảm dần theo thời gian dẫn đến xương yếu dần và giòn, dễ gãy.
Dưới đây là một số điểm khác nhau về triệu chứng, nguyên nhân, cách điều trị của chứng nhuyễn xương và loãng xương:
Triệu chứng
Cả nhuyễn xương và loãng xương đều do sự suy yếu của xương và thường dẫn đến gãy xương. Tuy nhiên loãng xương hầu như không gây ra triệu chứng rõ ràng, giai đoạn sớm khó phát hiện và được coi là "căn bệnh thầm lặng ". Người bệnh thường không biết họ mắc bệnh cho đến khi bị rạn xương, gãy xương.
Tuy nhiên, một vài triệu chứng có thể xảy ra cảnh báo bệnh loãng xương như: chiều cao giảm đi, thay đổi tư thế (khom lưng hoặc cúi người về phía trước), khó thở (dung tích phổi nhỏ hơn do đĩa nén), đau ở lưng dưới...
Nhuyễn xương có các triệu chứng rõ ràng hơn như: đau ở xương và hông, yếu cơ, đi lại khó khăn...
Nguyên nhân
Nguyên nhân phổ biến nhất của chứng nhuyễn xương là do sự thiếu hụt vitamin D trầm trọng. Vitamin D rất cần thiết cho sự hấp thụ canxi và duy trì sức khỏe của xương nên nếu thiếu vi chất này xương không thể phát triển đúng cách. Thiếu hụt vitamin D thường là do hậu quả của bệnh tiêu hóa, bệnh thận hoặc ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Loãng xương thường không có nguyên nhân cố định nhưng một số yếu tố nhất định làm tăng nguy cơ là lão hoá. Khi già đi, xương có xu hướng yếu đi dễ bị giòn, gãy do các lỗ bên trong lớp xương ngày càng lớn, làm yếu lớp bên trong xương.
Cơ thể có cơ chế sửa chữa, lấy canxi để tái tạo, bù đắp lại lượng xương mất đi. Ở độ tuổi dưới 30 tuổi, lượng xương được tạo ra nhiều xương hơn so với lượng xương mất đi nhưng sau 35 tuổi, quá trình phân hủy xương diễn ra nhanh hơn nên cơ thể dần mất dần khối lượng xương. Với bệnh loãng xương, tốc độ mất xương diễn ra nhanh hơn.
Một số bệnh lý cũng làm tăng nguy cơ loãng xương, bao gồm: bệnh tuyến giáp, tiền sử phẫu thuật cấy ghép nội tạng, điều trị ung thư bằng hormone, bệnh Celiac hoặc bệnh viêm ruột (IBD).
Chẩn đoán
Xét nghiệm máu và nước tiểu có thể kiểm tra nồng độ vitamin D, canxi và phốt pho để chẩn đoán được bệnh nhuyễn xương. Chụp X-quang cũng được chỉ định để tìm ra những thay đổi cấu trúc hoặc vết nứt trong xương. Ngoài ra, một số trường hợp có thể được bác sĩ yêu cầu sinh thiết xương để phân tích trong phòng thí nghiệm. Cách này thường có độ chính xác cao hơn.
Xét nghiệm mật độ xương là xét nghiệm duy nhất có thể chẩn đoán loãng xương trước khi xảy ra gãy xương. Các xét nghiệm mật độ xương được khuyến nghị ở phụ nữ trên 65 tuổi và nam giới trên 70 tuổi.
Điều trị
Bệnh nhuyễn xương có thể được phát hiện sớm và chữa khỏi. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chứng nhuyễn xương, bổ sung vitamin D trong vài tuần là cách có thể cải thiện tình trạng này. Ngoài vitamin D, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung canxi và phốt pho. Nếu sự thiếu hụt vitamin và khoáng chất ở những người bệnh thận, việc điều trị bệnh này cũng có thể giảm bớt triệu chứng nhuyễn xương.
Điều trị loãng xương phụ thuộc vào kết quả kiểm tra mật độ xương, tuổi tác và các yếu tố nguy cơ khác. Nếu kết quả quét mật độ xương cho thấy nguy cơ gãy xương cao, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc. Loãng xương thường được điều trị bằng các loại thuốc gọi là bisphosphonates. Những loại thuốc này giúp ngăn ngừa mất xương thêm, làm chậm tiến triển bệnh và tránh gãy xương. Thay đổi lối sống là những phương pháp điều trị điển hình ở bệnh loãng xương. Thuốc giúp xương chắc khỏe, tăng cường vitamin và khoáng chất trong cơ thể. Tập thể dục giúp thay đổi lối sống, thúc đẩy sự phát triển và tăng cường sức mạnh của xương.
Phòng ngừa nhuyễn xương và loãng xương bằng cách bổ sung vitamin và khoáng chất thích hợp. Bổ sung lượng vitamin D và canxi đầy đủ giúp phòng ngừa bệnh nhuyễn xương.
Tương tự, bệnh loãng xương có thể được ngăn ngừa bằng cách tăng cường sức khỏe xương như bổ sung chế độ ăn uống giàu vitamin D và khoáng chất, dùng sản phẩm hỗ trợ và tập thể dục thường xuyên.
Bảo Bảo (Theo Very Well Health)