Theo BS.CKI Trần Xuân Anh, Trưởng khoa Thần kinh cột sống, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP HCM, ngồi sai tư thế không chỉ ảnh hưởng đến vóc dáng, thẩm mỹ, mà còn tác động đến cấu trúc xương, tăng áp lực cho khớp. Ngồi với tư thế không đúng lặp đi lặp lại có thể là nguyên nhân của một số bệnh khớp phổ biến như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, lão hóa xương...
Dưới đây là 5 tư thế thường gặp khi sinh hoạt, làm việc gây ảnh hưởng đến khớp:
Ngồi vắt chéo chân
Tư thế ngồi vắt chéo chân trông khá lịch sự và sang trọng, song ngồi trong thời gian dài sẽ gây hại cho xương khớp. Kiểu ngồi này có thể làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch, cản trở quá trình lưu thông máu, gây suy giãn tĩnh mạch, sưng đau ở chân.
Nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ (NCBI) cho thấy, ngồi vắt chéo chân hơn 3 tiếng/ngày có thể làm thay đổi tư thế cột sống, khiến vai và xương chậu nghiêng sang một bên. Đặc biệt, phụ nữ ngồi vắt chéo chân thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng dải chậu chày và viêm bao hoạt dịch khớp háng. Tình trạng viêm này có thể khiến cơn đau từ vùng háng lan xuống hai bên hông và đùi, thậm chí đến đầu gối.
Ngồi xổm hoặc quỳ gối
Ngồi xổm, quỳ gối là tư thế quen thuộc trong sinh hoạt đời thường. Tuy nhiên, kiểu ngồi này có thể tạo áp lực lên khớp gối, gây ra cảm giác đau nhức khi ngồi lâu, thậm chí làm tăng nguy cơ viêm khớp gối.
Nghiên cứu cho thấy, gánh nặng sụn chêm khớp gối sẽ bằng 0 khi nằm, gấp 1-2 lần khi đứng lên; gấp 4 lần khi chạy và gấp 8 lần khi ngồi xổm hoặc quỳ.
Ngồi cúi đầu
Khi cúi đầu về trước một góc 15 độ, đốt sống cổ phải chịu áp lực đến 12 kg, góc 30 độ là 18 kg và với góc 60 độ, áp lực lên đến 22 kg. Đây là lý do khi ngồi cúi cổ nhìn vào điện thoại, máy tính lâu sẽ có cảm giác đau, co cứng ở vùng cổ. Nếu ngồi với tư thế này trong thời gian dài, sẽ đẩy nhanh quá trình thoái hóa cột sống cổ.
Ngồi ngửa cổ
Không chỉ ngồi cúi đầu về phía trước mới gây hại cho xương khớp, ngồi ngửa cổ lên cao, đưa cằm ra phía trước trong thời gian dài cũng khiến các dây thần kinh ở cổ bị chèn ép, cản trở tuần hoàn máu gây mỏi cổ và làm tăng nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ.
Ngủ gục trên bàn
Khi ngủ gục trên bàn đầu sẽ ngoẹo sang một bên, làm mất cân bằng cơ 2 bên vai và cổ (một bên co lại, một bên giãn ra), khiến cơ sau cổ mệt mỏi quá độ, dồn hết trọng lực lên xương đốt sống cổ, lâu dài gây thoát vị đĩa đệm đốt sống cổ. Bên cạnh đó, thường xuyên ngủ gục trên bàn sẽ khiến phần thân trên bị chèn ép, dẫn tới cong cột sống, làm xuất hiện triệu chứng tổn thương cơ psoas (cơ thắt lưng).
Bác sĩ Xuân Anh cho biết thêm, khi nhìn ngang một bên, cột sống mỗi người là một đường cong hình chữ S, uốn lượn từ 7 đốt sống cổ đến 12 đốt sống ngực, 5 đốt sống thắt lưng và vùng xương cùng - cụt. Đây là đường cong sinh lý của cột sống. Ở tư thế bình thường, độ ưỡn trung bình của cột sống cổ là 20-40 độ, cột sống ngực/lưng còng 20-40 độ, cột sống thắt lưng ưỡn trung bình 40-60 độ. Khi ngồi sai tư thế trong thời gian dài (như cúi đầu, ngửa cổ, khom lưng...) sẽ làm mất đường cong sinh lý này, khiến cột sống dễ biến dạng.
Do đó, để giảm tối đa tổn thương xương khớp có thể xảy ra, mỗi người cần điều chỉnh lại tư thế ngồi càng sớm càng tốt. Ví dụ khi ngồi ghế, ngồi thẳng lưng và nhìn về phía trước, vai thả lỏng, đầu gối và bắp chân tạo thành góc 90 độ, đặt 2 bàn chân trên sàn hoặc khu vực để chân. Sau mỗi 30 phút ngồi làm việc, cần đứng dậy đi lại, vươn vai để thư giãn xương khớp.
Xây dựng, duy trì một lối sống lành mạnh như: ăn uống đủ chất, nhiều rau xanh và hoa quả tươi, tránh các chất có hại cho sức khỏe, ngủ đủ từ 7-9 tiếng mỗi ngày, mỗi ngày dành ra 30 phút tập luyện thể thao... sẽ giúp hệ xương khớp thêm chắc khỏe.
Theo bác sĩ Xuân Anh, song song với cải thiện lối sống, mỗi người có thể chủ động bổ sung thêm các dưỡng chất thiên nhiên, nuôi dưỡng khớp từ bên trong như Eggshell Membrane, Collagen Type 2 không biến tính, Collagen Peptide, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate... Các tinh chất này có khả năng điều hòa miễn dịch, kiểm soát quá trình viêm, kích thích tế bào sụn sản sinh chất nền (collagen và aggrecan) giúp xương khớp chắc khỏe, thúc đẩy quá trình tái tạo sụn khớp và xương dưới sụn, nhờ đó làm chậm thoái hóa khớp và tăng khả năng vận động.
Trường hợp gặp triệu chứng đau khớp bất thường và kéo dài, người bệnh nên đến các chuyên khoa xương khớp để được bác sĩ thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp.
Trinh Ngô