Chứng tê liệt khi ngủ, hay còn gọi là "bóng đè", và mơ thấy ác mộng là hai hiện tượng rối loạn giấc ngủ xảy đến tại các thời điểm khác nhau của giấc ngủ, ở độ tuổi khác nhau... Phân biệt hai triệu chứng giúp bạn chủ động cải thiện tình trạng, cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nhóm các nhà nghiên cứu Hongkong và Canada đã chỉ ra một số điểm khác biệt giữa bóng đè và ác mộng:
Trẻ em thường gặp phải ác mộng hơn người trưởng thành. Thông thường, hiện tượng này xuất hiện ở trẻ 4-12 tuổi và tự khỏi ở tuổi vị thành niên hoặc tuổi dậy thì. Một nghiên cứu gần đây cho thấy độ tuổi phổ biến đối với chứng ác mộng là 1,5 tuổi (do có tới 35% trẻ em ở độ tuổi này gặp phải ác mộng). Trong khi đó, chứng tê liệt khi ngủ bắt đầu xảy ra trong thời niên thiếu và có thể trở nên thường xuyên ở người trưởng thành.

Chứng tê liệt khi ngủ và ác mộng xảy đến ở hai giai đoạn khác nhau của giấc ngủ. Ảnh: Freepik
Khác biệt nổi bật của hai triệu chứng về giấc ngủ này là sự ảnh hưởng của hai hiện tượng lên ý thức trong khi ngủ. Trẻ thường không nhớ chi tiết về cơn ác mộng, trong khi người trải qua chứng tê liệt khi ngủ lại nhớ được hiện tượng rõ ràng.
Bạn có thể nhận thấy trẻ đang trải qua cơn ác mộng bằng một số dấu hiệu trong khi con ngủ. Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ cho biết, trẻ đang trải qua ác mộng có dấu hiệu hoảng loạn như la hét, vùng vẫy hoặc đá chân. Tim trẻ đập mạnh, thở nhanh, đỏ da, đổ mồ hôi, giãn đồng tử và căng cơ. Triệu chứng thường xảy đến 3-4 giờ đầu của đêm và kéo dài khoảng 10 phút hoặc tiếp tục xảy ra trong 30-40 phút ở một số trẻ. Trẻ thường ngủ sâu sau đó và không nhớ gì vào sáng hôm sau.
Người trưởng thành bị "bóng đè" khi ngủ vẫn nằm yên, chỉ thở nhẹ và mở mắt. Triệu chứng thường xảy đến vào giấc gần sáng, khi sắp thức giấc, kéo dài chỉ trong vài giây hoặc vài phút. Lúc này, não bộ đã có lại ý thức nhưng cơ thể vẫn duy trì trạng thái bất động và kéo dài suốt pha ngủ nhanh (giấc ngủ REM), gây ra ảo giác, không thể tự di chuyển cơ thể hoặc nói chuyện. Bạn thường cảm thấy sợ hãi mà sau khi tỉnh giấc vẫn để lại cảm giác khó chịu hoặc buồn bã; có thể ngủ trở lại sau vài phút hoặc tỉnh táo hoàn toàn. Một số người cho biết có thể cử động tay chân khi tình trạng tê liệt giảm dần.
Hiện tượng bóng đè tuy xảy đến và để lại những ký ức không vui, nhưng thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe não bộ. Bên cạnh đó, Hiệp hội Giấc ngủ Mỹ cũng thông tin, ác mộng xảy ra khi còn bé có thể do não bộ của trẻ vẫn đang dần phát triển, không liên quan đến các tình trạng rối loạn giấc ngủ. Tuy nhiên, hai hiện tượng đều có thể liên quan đến chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA), cần được chú ý cải thiện, lưu ý ăn uống và thực hành vệ sinh giấc ngủ để hạn chế tình trạng xảy đến.
Mai Chi
(Theo Very Well Health, Sleep Foundation)