Đau đầu là một trong những bệnh lý thần kinh phổ biến nhất. Người bệnh có thể gặp phải các hệ lụy dây chuyền như mệt mỏi, suy nhược, mất ngủ, khó ngủ, ăn uống kém, ảnh hưởng đến chất lượng sống. Thậm chí, các cơn đau đầu còn có thể là dấu hiệu của những bệnh lý nguy hiểm kể cả u não, đột quỵ. Nếu không điều trị kịp thời, nguy cơ bệnh tăng nặng, trở thành mạn tính, khó điều trị.
Dinh dưỡng cũng góp phần kiểm soát hoặc làm tăng nặng cơn đau đầu. TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM đưa ra một số lời khuyên về thực phẩm nên ăn và không nên ăn dành cho người đau đầu như sau:
Ăn thực phẩm giúp bổ sung magie: Rau xanh, quả hạch, các loại hạt, đậu khô, ngũ cốc nguyên hạt và cám yến mạch... là những loại thực phẩm giúp bổ sung magie. Thường xuyên ăn các loại thực phẩm giàu magie có thể giúp bạn giảm cảm giác và hạn chế đau đầu quay lại thường xuyên.
Ăn một lát gừng: Bạn có thể ngậm một lát gừng mỏng trong miệng hoặc uống trà gừng ấm đều được. Gừng có thể xoa dịu cơn đau đầu và giảm các triệu chứng thường đi kèm với cơn đau đầu như chóng mặt, buồn nôn...
Bổ sung vitamin nhóm B: Các loại vitamin nhóm B như vitamin B9 (folate), vitamin B6 và vitamin B12 hỗ trợ giảm đau đầu. Bạn có thể bổ sung vitamin B thông qua các loại thực phẩm như đậu Hà Lan, chuối, cam, quả hạch, gan, ngũ cốc... Một số trường hợp thiếu vitamin B có thể sử dụng thêm các loại thuốc và thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng các loại thuốc bổ sung vitamin B này.
Tránh các thực phẩm hay vật dụng có mùi: Những mùi mạnh có thể khiến bạn cảm thấy đau đầu. Điều này được lý giải do cơ thể mẫn cảm với một số mùi hương mạnh và phát ra phản ứng "chống đối" lại các mùi hương này. Do đó, khi bị đau đầu, người bệnh nên tránh khỏi các loại thực phẩm hoặc vật dụng có mùi mạnh như các loại đồ chiên, nước hoa, khói thuốc lá...
Tránh thực phẩm chứa nhiều histamine: Histamine là một chất hóa học được tìm thấy tự nhiên trong cơ thể, đóng vai trò quan trọng đối với hệ thống miễn dịch, tiêu hóa và thần kinh. Histamine cũng được tìm thấy trong một số loại thực phẩm như thịt hun khói, bia, rượu... Tuy vậy, tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa histamine có thể gây ra chứng đau đầu. Cắt giảm chúng hỗ trợ bạn vượt qua hoặc cải thiện cơn đau đầu.
Bác sĩ Minh Đức chia sẻ thêm, khi bị đau đầu, tốt nhất người bệnh nên đến bệnh viện để được kiểm tra, thăm khám và chẩn đoán tình trạng sức khỏe. Các trường hợp sau đây càng phải chú ý như cơn đau đầu kéo dài, lặp đi lặp lại thường xuyên; đau đầu diễn ra đột ngột và dữ dội; kèm theo những triệu chứng nguy hiểm khác như buồn nôn, co giật, sốt cao, suy giảm thị lực...
Một số trường hợp đau đầu cần phải kết hợp điều trị đau đầu bằng thuốc và không bằng thuốc để thuyên giảm nhanh, không gây ảnh hưởng đến cuộc sống. Các loại thuốc thường được sử dụng để trị đau đầu bao gồm các thuốc giảm đau không kê đơn và thuốc chống viêm không steroid (NSAID).
Tuy nhiên, theo bác sĩ Minh Đức, người bệnh không tự ý dùng thuốc và tuyệt đối nói không với việc lạm dụng thuốc. Người bị đau đầu nên đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc giảm đau nào.
Tùy theo biểu hiện bệnh mà bác sĩ có thể đưa ra những câu hỏi khác nhau để hỗ trợ chẩn đoán. Bác sĩ cũng có thể chỉ định người bệnh thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh (chụp MRI, chụp CT, chụp X-quang đầu - sọ não), làm xét nghiệm máu, đo điện não...
Sau khi xác định nguyên nhân đau đầu, bác sĩ tư vấn cách trị đau đầu hay cách giảm đau đầu phù hợp, cân nhắc cho người bệnh sử dụng thuốc hoặc thực hiện phẫu thuật can thiệp nếu cần thiết.
Kim Dung