Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nội soi tiêu hóa được xem là "tiêu chuẩn vàng" trong thăm dò, chẩn đoán, can thiệp điều trị các bệnh đường tiêu hóa trên và đường tiêu hóa dưới. Nội soi với dây mềm, đường kính nhỏ, có gắn camera ở đầu dây giúp bác sĩ chẩn đoán các tình trạng của thực quản, dạ dày, ruột non, mật tụy, đại tràng.
Người bệnh được gây mê nông, tức gây mê trong thời gian ngắn, giúp bác sĩ hoàn thành quy trình nội soi kiểm tra đường tiêu hóa, không bỏ sót tổn thương dù rất nhỏ. Theo bác sĩ Khanh, phương pháp này có nhiều ưu điểm bao gồm:
Kiểm tra kỹ đường tiêu hóa
Thông qua đèn và camera gắn ở đầu dây nội soi, bác sĩ quan sát cận cảnh, kiểm tra các cơ quan của ống tiêu hóa như thực quản, dạ dày, ruột, đại tràng...
Theo bác sĩ Khanh, nhiều tổn thương đường tiêu hóa khó phát hiện qua siêu âm hay chụp X-quang nhưng có thể nhìn rõ qua nội soi. Camera phóng đại hơn 100 lần với ánh sáng dải tần hẹp (NBI) hoặc LCI, BLI hỗ trợ bác sĩ nhìn rõ niêm mạc đường tiêu hóa, tìm kiếm tổn thương, nguyên nhân chảy máu và các vấn đề khác.
Xác định nguyên nhân gây bệnh
Một số người bệnh thường xuyên có triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau hoặc sụt cân không rõ nguyên nhân, táo bón, tiêu chảy, đại tiện phân đen... Những triệu chứng này có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Nhờ nội soi, bác sĩ có thể nhanh chóng tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng bằng cách kiểm tra niêm mạc đường ruột, tìm kiếm sự tăng trưởng, khối u và các bất thường khác trong quá trình nội soi. Chẩn đoán đúng bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp, lựa chọn hiệu quả điều trị tốt.
Lấy mẫu sinh thiết ít xâm lấn
Trong quá trình nội soi, nếu nghi ngờ khối u ác tính, bác sĩ đưa dụng cụ khác nhau qua ống nội soi để cắt mảnh mô nhỏ từ dạ dày hoặc ruột non hoặc đường mật làm sinh thiết. Đây là quá trình sinh thiết tế bào ít xâm lấn, giúp xác định bệnh như các tổn thương nghi ngờ ác tính, bệnh ít gặp như celiac.
Thông tắc mật
Tình trạng sỏi trong ống mật chủ dễ dẫn đến tắc mật nhiễm trùng, đau bụng. Thông qua phương pháp nội soi đường miệng, bác sĩ sử dụng dụng cụ nội soi để lấy sỏi ngược dòng. Lấy sỏi mật bằng phương pháp không xâm lấn góp phần giảm triệu chứng, tránh các biến chứng khó phục hồi ở người già, người nhiều bệnh nền. Trường hợp người bệnh tắc mật có thể đặt stent tái lưu thông mật từ gan chảy xuống ruột.
Cắt polyp và tầm soát ung thư ở giai đoạn sớm
Đường tiêu hóa có thể xuất hiện viêm loét, polyp hay các tổn thương dưới niêm mạc. Các polyp cũng thường phát triển bên trong dạ dày, đại tràng và trực tràng. Trong quá trình nội soi, bác sĩ có thể tìm kiếm các polyp, xác định khu vực và đưa ra quyết định cắt polyp hay không.
Phần lớn polyp tại dạ dày lành tính và không tiến triển thành ung thư nên không cần cắt. Ngược lại, polyp đại tràng như polyp tuyến, răng cưa có khả năng cao tiến triển thành ung thư. Loại polyp này cần cắt để ngăn ung thư đại tràng.
Bác sĩ Khanh khuyến cáo người bệnh có các triệu chứng đường tiêu hóa như đau bụng không rõ nguyên nhân, ợ nóng, nóng rát sau xương ức, chảy máu, dấu hiệu tắc ruột, máu trong phân..., cần đến bệnh viện uy tín, có chuyên khoa tiêu hóa khám sớm. Tùy tình trạng, bác sĩ tư vấn có nên nội soi hay không. Người không có triệu chứng, không có tiền sử bị polyp và không có tiền sử gia đình ung thư đường tiêu hóa, có thể nội soi kiểm tra khi 40-50 tuổi, giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ung thư (nếu có).
Lục Bảo
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |