Ông Quang đi khám ở bệnh viện địa phương được chẩn đoán viêm dạ dày, uống thuốc không bớt. Ông đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, xét nghiệm sinh hóa máu (công thức máu, chức năng gan thận, bilirubin CRP...) và các xét nghiệm hình ảnh học cho thấy sỏi lấp đầy ống mật chủ làm tắc nghẽn đường mật, gây viêm mủ đường mật, sốc nhiễm trùng.
Viêm mủ đường mật là tình trạng nhiễm khuẩn nặng, có kèm theo các ổ mủ với triệu chứng như đau quặn bụng, sốt cao, vàng da, tụt huyết áp, mạch đập nhanh...
Ngày 14/6, tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Bình, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, cho biết tình trạng của ông Quang thời điểm nhập viện rất nguy hiểm, nếu không được can thiệp sớm có thể tiến triển thành nhiễm trùng huyết, nguy cơ tử vong cao.
Người bệnh được can thiệp cấp cứu bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) lấy sỏi để giải quyết tình trạng tắc nghẽn đường mật, giảm triệu chứng nhiễm trùng, ngăn ngừa biến chứng.
Bác sĩ dùng một ống soi mềm, đầu có gắn đèn và camera giống như nội soi dạ dày để lấy sỏi. Sau đó đưa ống nội soi và dụng cụ chuyên dụng qua đường miệng vào đến tá tràng (còn gọi là nhú tá lớn hay nhú Vater). Dưới sự hỗ trợ của màn hình tăng sáng (C-arm), bác sĩ sử dụng rọ chuyên dụng lấy được nhiều sỏi có kích thước 0,8-1,5 cm ở ống mật chủ gây tắc nghẽn và giải thoát dịch mủ đặc. Bơm rửa sạch đường mật và kiểm tra lại để đảm bảo không thấy sỏi sót.
Hậu phẫu, ông Quang hết đau bụng, dễ chịu. Sau hai ngày, sức khỏe ông hồi phục hoàn toàn, hết sốt, giảm vàng da, đi đứng bình thường, xuất viện.
Ống mật chủ là cơ quan quan trọng trong quá trình lưu thông dịch mật. Ống dẫn dịch mật trực tiếp từ gan đổ vào tá tràng nhằm hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Sỏi xuất hiện tại ống mật làm giảm đáng kể lượng dịch mật đến tá tràng, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, gây đầy bụng, chướng hơi, khó tiêu. Sỏi lớn dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng đường mật, viêm tụy cấp, sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết..., đe dọa tính mạng.
Sỏi ống mật chủ do nhiều nguyên nhân như nhiễm khuẩn, nhiễm ký sinh trùng hoặc giun mang theo trứng hay xác giun chui lên ống mật trở thành nơi cho sắc tố mật lắng đọng bám vào và dần hình thành sỏi.
Bất thường cân bằng giữa quá trình chế tiết dịch mật và hấp thu dịch mật của cơ thể hay do sỏi đường mật từ trong gan hoặc túi mật rớt xuống cũng gây sỏi ống mật chủ. Người béo phì, chế độ ít chất xơ, nhiều chất béo, phụ nữ mang thai, giới tính nữ, cao tuổi hoặc tiền căn gia đình có người mắc bệnh sỏi ống mật chủ, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Tùy theo mức độ và tính chất của sỏi, bác sĩ điều trị phù hợp như nội khoa, sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật (nội soi hoặc mổ mở). Theo bác sĩ Bình, nội soi mật tụy ngược dòng là phương pháp điều trị xâm lấn tối thiểu nhưng hiệu quả cao, rủi ro thấp, thời gian hồi phục ngắn, chi phí hợp lý.
Người bệnh khi có dấu hiệu đau bụng, bất thường tiêu hóa nên đi khám sớm để được chẩn đoán, phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh có thể được phòng ngừa bằng cách duy trì chế độ ăn uống cân đối các nhóm dưỡng chất, luyện tập thể dục điều độ, kiểm soát cân nặng, ưu tiên ăn chín uống sôi, giữ môi trường sống sạch sẽ.
Quyên Phan
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |