Polyp đại tràng là khối tế bào nhỏ hình thành trên niêm mạc đại tràng do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc. Nguyên nhân cụ thể hình thành polyp trực tràng vẫn chưa được xác định. Đa số polyp lành tính, nhưng một số trường hợp có khả năng trở thành ác tính (ung thư).
Hai loại polyp đại tràng phổ biến nhất là polyp tăng sản và polyp tuyến. Các polyp tăng sản không có nguy cơ tiến triển ung thư khi kích thước nhỏ dưới 5 mm. Ngược lại một số polyp tăng sản có kích thước lớn hơn 10 mm có nguy cơ chuyển dạng thành polyp ác tính.
Ngày 18/5, tiến sĩ, bác sĩ Trần Thanh Bình, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hơn 90% trường hợp ung thư đại trực tràng phát sinh từ các polyp tuyến của đại trực tràng. Polyp tuyến có khả năng biến đổi theo chiều hướng ác tính dưới tác động của môi trường và gene của từng người.
Trong số gần 6.000 người đến bệnh viện Tâm Anh TP HCM khám nội soi đại tràng 6 tháng qua, hơn 3.820 (64%) người bị polyp đại trực tràng, 2.280 trường hợp (59,6%) cần cắt polyp qua nội soi bao gồm polyp tuyến và polyp tăng sản kích thước lớn hơn 5 mm.
Bác sĩ Thanh Bình khuyến cáo cắt polyp tuyến tăng sản khi kích thước trên 5 mm, đặc biệt là nằm phía đại tràng phải. "Tất cả polyp tuyến được phát hiện qua nội soi đại tràng cần cắt bỏ sớm vì chúng có nguy cơ tiến triển thành ung thư", bác sĩ Bình nói. Về lý thuyết, polyp tuyến có kích thước càng lớn càng dễ hóa ung thư. Các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tiến triển ung thư như chảy máu tự nhiên, tiết chất nhầy, bề mặt không đều, bất thường về vi cấu trúc bề mặt, vi cấu trúc mạch máu trên nội soi, đặc biệt là nội soi có phóng đại và nhuộm màu.
Hiện, nội soi đại trực tràng có vai trò chính yếu nhất giúp phát hiện và cắt bỏ các polyp còn ở giai đoạn lành tính hoặc các polyp hóa ung thư sớm, theo bác sĩ Bình. Đây là phương pháp đơn giản được thực hiện ngay khi nội soi, không xâm lấn, giúp triệt căn tế bào ung thư phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Như chị Xuân, 38 tuổi, ngụ Bình Dương, đi khám do hay đi tiêu ra nhầy máu. Kết quả soi đại trực tràng cho thấy một polyp lớn, kích thước 4 cm, lan rộng sang bên, hình thái bất thường bề mặt. Nghi ngờ polyp ung thư hóa giai đoạn sớm, bác sĩ Bình cho người bệnh lấy mẫu sinh thiết.
Kết quả sinh thiết cho thấy nghịch sản nhẹ, có vài vị trí nghi nghịch sản cao (dấu hiệu tiền ung thư). Người bệnh cũng được cắt polyp bằng phương pháp cắt tách dưới niêm mạc (Endoscopic Submucosal Dissection - ESD) để lấy trọn khối polyp có kích thước lớn. Giải phẫu bệnh ghi nhận ung thư giai đoạn sớm trên nền u tuyến ống nghịch sản độ cao, chưa xâm lấn mạch máu, bạch huyết, bờ cắt an toàn. Sau nội soi, bệnh nhân tỉnh táo, không cần phải nhập viện.
Tương tự chị Nhân, 31 tuổi và anh Dương, 28 tuổi đi khám do rối loạn tiêu hóa. Kết quả nội soi đại tràng cho thấy trong đại tràng chị Nhân có nhiều polyp, khối polyp lớn nhất kích thước 2,5 cm ở trực tràng. Còn anh Dương được phát hiện polyp 4 cm qua phương pháp nội soi tương tự.
Theo bác sĩ Bình, nội soi nhuộm màu và phóng đại polyp của cả hai người bệnh đều có thay đổi cấu trúc bề mặt và mạch máu. Sinh thiết cho thấy polyp có nghịch sản độ cao nên họ có khả năng mắc ung thư trong thời gian tới.
Bác sĩ chỉ định cho họ cắt polyp bằng phương pháp cắt tách dưới niêm mạc (ESD) trong lúc nội soi đại trực tràng. Kết quả giải phẫu bệnh sau cắt polyp đều là ung thư giai đoạn sớm.
ESD là phương pháp cắt khối u ngay trong lúc nội soi, ngăn chặn nguy cơ tiến triển ung thư, được thực hiện nhanh chóng, không đau, không có vết mổ, ít tai biến, bệnh nhân được xuất viện ngay trong ngày. Bác sĩ Bình nói cho biết đây là phương pháp điều trị triệt ung thư giai đoạn sớm mà không cần phải hóa xạ trị bổ sung sau đó.
Trước đây, phương pháp cắt polyp thông thường (sử dụng các dụng cụ đi kèm như thòng lọng, có hay không tiêm nâng niêm mạc...), người bệnh vẫn có nguy cơ lấy không hết khối u do không cắt rộng và sâu. Hiện, phương pháp ESD giúp cắt sâu và rộng nên lấy trọn khối mô polyp.
Trường hợp ung thư đại trực tràng ở giai đoạn muộn, bắt buộc phải phẫu thuật, kèm hóa trị, xạ trị, điều trị bằng thuốc đích. Chi phí điều trị tốn kém mà kết quả không khả quan.
Bác sĩ Bình khuyến cáo người có yếu tố nguy cơ cao như trên 45 tuổi, gia đình có người thân bị ung thư đại tràng, mắc bệnh di truyền liên quan ung thư đại tràng nên nội soi đại tràng tầm soát sớm ung thư. Trường hợp xuất hiện dấu hiệu bất thường như tiêu máu, nhầy máu, mót rặn, táo bón thường xuyên, đau bụng kéo dài, rối loạn đi dai dẳng... cần đi khám ngay.
Quyên Phan
*Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |