Theo lịch, năm Giáp Thìn sẽ kết thúc vào ngày 28/1/2025 (tức 29 Tết, chuẩn bị bước sang năm Ất Tỵ). Một thai kỳ trọn vẹn trung bình 40 tuần, được tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng.
"Như vậy, các cặp đôi muốn sinh con năm Rồng phải nỗ lực mang thai trước tháng 5, bé sẽ chào đời trước khi sang năm mới", BS.CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Giám đốc Trung tâm Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, thêm rằng trường hợp thụ tinh ống nghiệm, nếu chuyển phôi vào tử cung mẹ trước ngày 20/5 vẫn kịp đón con "Rồng vàng".
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh đang quản lý thai kỳ cho khoảng 4.000 thai phụ, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Đầu năm nay, nhiều phụ nữ đến viện khám, nỗ lực mang thai trước tháng 5 để đón con tuổi Rồng.
Đơn cử, chị Hoa, 33 tuổi, cuối năm ngoái đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM tháo que tránh thai với mong muốn sinh con tuổi Rồng. Sau đó chị mang thai, không may thai ngoài tử cung nằm ở vòi trứng phải. Bác sĩ Mỹ Nhi phẫu thuật đình chỉ thai kỳ và bảo tồn vòi trứng cho chị Hoa. Sau mổ, bác sĩ khuyên chị nghỉ ngơi sau 2-3 chu kỳ kinh nguyệt.
Kiêng cữ được hai tháng, đầu năm nay chị Hoa quyết định vẫn cố gắng mang thai. Vợ chồng tìm đủ các phương pháp như cài app điện thoại theo dõi ngày rụng trứng, siêu âm canh trứng. Đầu tháng 3, chị Hoa có bầu, đang được bác sĩ theo dõi sát sức khỏe.

Bác sĩ Mỹ Nhi khám cho thai phụ chuẩn bị sinh con năm Rồng. Ảnh minh họa: Như Ngọc
Còn chị Minh, 36 tuổi, đã có hai con gái song sinh 6 tuổi, từng có ý định không sinh thêm do lần đầu bị tiền sản giật. Tuy nhiên đến năm nay vợ chồng đổi ý muốn thêm thành viên mới. Thế nhưng chị thừa cân, cần giảm 15 kg trước khi mang thai. Sau ba tháng nỗ lực, chị giảm còn 50 kg, hiện mang thai 6 tuần, đã có tim thai. Bác sĩ cho biết người từng mắc tiền sản giật, lần mang thai kế tiếp có thể được điều trị dự phòng tiền sản giật bằng thuốc đến khi thai 36 tuần.
Người dân các nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore..., quan niệm đứa trẻ tuổi rồng (sinh trong năm Thìn) sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống. Do đó, vào năm Thìn, số trẻ chào đời thường cao hơn các năm bình thường.
Theo Tổng cục Thống kê, mức sinh ở Việt Nam nhiều năm qua giảm tương đối nhanh và số con một cặp vợ chồng có thể sinh đang ít đi. Tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với năm ngoái (2,01 con) và dưới kế hoạch mức sinh thay thế 2,1 con. Chính sách dân số đang khuyến khích phụ nữ sinh thêm con.
Mặc dù giảm so với năm 1989, mức sinh có xu hướng tăng nhẹ trong vòng 10 năm trở lại đây (từ mức 2,03 con/phụ nữ lên 2,09 con/phụ nữ), nhất là vào những năm được quan niệm là "đẹp" để sinh con.
Năm Canh Thìn 2000, tỷ suất sinh 2,25%. Năm Nhâm Thìn 2012, tổng tỷ suất sinh đạt 2,05 con/phụ nữ, tăng so với mức 1,99 con/phụ nữ của năm 2011. Dân số trung bình cả nước năm 2012 ước tính 88,78 triệu người, tăng 1,06% so với năm 2011. Ngoài năm Rồng, năm 2019 Kỷ Hợi, dân số trung bình nước ta ước tính 96,48 triệu người, tăng hơn một triệu người, tương đương 1,15% so với năm 2018.
"Năm nay là cơ hội thúc đẩy để tăng tỷ lệ sinh tự nhiên", bác sĩ Mỹ Nhi nói. Tuy nhiên từ kinh nghiệm bản thân, bác sĩ Nhi khuyên các gia đình cân nhắc kỹ khi quyết định sinh con, bởi những em bé tuổi rồng có thể phải cạnh tranh về nơi sinh, các dịch vụ chăm sóc, giáo dục, việc làm. Đây là thực tế mà bản thân bác sĩ Mỹ Nhi gặp phải với con đầu lòng sinh vào năm Canh Thìn (năm 2000) khi có nhiều trẻ ra đời.
"Các năm được cho là tốt, số trẻ ra đời nhiều cũng có ảnh hưởng đến mức độ cạnh tranh trong các kỳ thi tuyển sinh quốc gia quan trọng như tuyển sinh đại học vào các trường, các ngành có nhiều thi sinh quan tâm", bác sĩ Mỹ Nhi cho biết.

Bác sĩ Thanh Hùng đỡ sinh cho em bé chào đời đầu năm Giáp Thìn tại Bệnh viện Tâm Anh. Ảnh: Tuệ Diễm
Còn khi vợ chồng quyết định sinh con năm rồng thì cần kiểm tra sức khỏe kỹ trước khi mang thai để trẻ sinh ra có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt, theo BS.CKII Lê Thanh Hùng, Phó khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM. Vợ chồng cần kiểm tra tim mạch, huyết áp, đánh giá nguy cơ trong quá trình thụ tinh và mang thai, đồng thời tránh các bất thường nhiễm sắc thể do bệnh di truyền. Từ đó, bác sĩ chỉ định hướng điều trị cho người bệnh trước khi chuẩn bị có thai.
Phụ nữ cũng nên tiêm vaccine ngừa một số bệnh ba tháng trước khi chuẩn bị có thai. Một số loại virus mẹ nhiễm trong thai kỳ có thể gây ra những dị tật nghiêm trọng cho thai nhi như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm mùa, viêm gan siêu vi B...
Tuệ Diễm
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh sản phụ khoa tại đây để bác sĩ giải đáp |