Bác sĩ Hoàng Quyết Tiến, Trung tâm Thông tin Y khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết trước đây các bệnh xương khớp chủ yếu xuất hiện ở người cao tuổi nhưng hiện nay bệnh có xu hướng trẻ hóa. Không ít trường hợp xuất hiện các dấu hiệu loãng xương, thoái hóa khớp khi ngoài 30 tuổi. Nguyên nhân có thể do sai lầm trong sinh hoạt, vận động, chế độ ăn uống.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo duy trì lối sống khoa học và tránh các thực phẩm làm tăng lượng natri, axit uric, cholesterol dưới đây để bảo vệ xương khớp.
Dưa muối chứa một lượng lớn natri. Các ion natri trong muối vào cơ thể vượt quá mức tiêu chuẩn làm giảm khả năng hấp thụ canxi. Đồng thời, chúng khiến các tế bào khớp tích trữ muối urat, tăng nguy cơ mắc bệnh gout, gây sưng đau. Ngoài dưa muối, mọi người cũng nên hạn chế các thực phẩm chứa hàm lượng muối cao khác như nước tương, cá muối, thịt xông khói, xúc xích...
Đồ uống có gas chứa axit photphoric làm giảm hấp thụ canxi trong cơ thể, có thể khiến xương suy yếu. Nhiều loại nước ngọt có gas cũng chứa lượng đường cao, có thể gây viêm và giảm mật độ xương, tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương.
Thịt mỡ chứa một lượng lớn protein và chất béo, nếu ăn quá nhiều khiến cơ thể nạp một lượng calo vượt quá tiêu chuẩn. Hàm lượng cholesterol cao có thể dẫn tới béo phì, gây căng thẳng cho các cơ quan khác nhau của cơ thể, tăng gánh nặng cho xương khớp.
Tiêu thụ chất béo quá nhiều còn khiến gan tiết ra một lượng lớn mật, ảnh hưởng đến hấp thụ canxi của cơ thể. Điều này cũng không có lợi cho sức khỏe của xương, bao gồm tăng khả năng bị giòn xương.
Nội tạng động vật chứa nhiều purine, cholesterol và chất béo bão hòa khiến axit uric tăng, dẫn đến bệnh gout. Gan có thể chứa độc tố, kim loại nặng.
Chất kích thích như rượu, bia ảnh hưởng đến khớp do gây viêm, giảm hấp thụ chất dinh dưỡng cần thiết, tổn thương sụn, tăng cân, mất nước và suy yếu hệ miễn dịch. Những yếu tố này làm suy yếu cấu trúc khớp, gây đau, sưng và thoái hóa khớp.
Bác sĩ Tiến cho biết duy trì sức khỏe xương khớp sau tuổi 30 rất quan trọng để ngăn ngừa loãng xương và các vấn đề xương khác. Vận động thường xuyên giúp xương khớp chắc khỏe hơn. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tăng cơ hội hấp thu vitamin D. Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện bệnh.
Bổ sung dưỡng chất thiên nhiên như eggshell membrane (chiết xuất màng vỏ trứng), collagen type II không biến tính, collagen peptide thủy phân, chondroitin sulfate, turmeric root (chiết xuất nghệ) giúp giảm đau nhức xương khớp. Chúng còn hỗ trợ tái tạo và nuôi dưỡng sụn khớp chắc khỏe, từ đó xương khớp trở nên linh hoạt, vận động dẻo dai.
Đình Diệu
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |