Thường xuyên uống rượu bia ảnh hưởng xấu đến cơ thể, trong đó có sức khỏe xương. Trong suốt cuộc đời, hệ xương liên tục trải qua quá trình phá vỡ và xây dựng lại. Uống nhiều rượu bia làm giảm quá trình tạo xương và sửa chữa xương của cơ thể. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh uống rượu bia trong thời gian dài, nhất là khi còn trẻ, có thể tác động đáng kể đến sức khỏe của xương và tăng nguy cơ loãng xương sau này.
ThS.BS.CKI Ngô Tuấn Anh, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết canxi là chất dinh dưỡng cần thiết cho xương khỏe mạnh. Tuy nhiên, rượu làm tăng chuyển hóa canxi ra khỏi xương, giảm hấp thụ canxi qua ruột, ảnh hưởng đến tuyến tụy và quá trình chuyển hóa vitamin D. Khi rượu làm gián đoạn chuyển hóa vitamin D ảnh hưởng đến sự hấp thụ canxi trong cơ thể, khả năng tạo xương và giảm mật độ xương. Lúc này, xương mỏng, yếu và dễ gãy khi bị té ngã.
Thường xuyên uống rượu làm thay đổi nồng độ các hormone quan trọng đối với sức khỏe của xương. Ở phụ nữ, rượu làm giảm estrogen và có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều. Estrogen có khả năng ức chế quá trình hủy xương và kích thích tạo xương. Khi nồng độ estrogen suy giảm, quá trình tái tạo xương chậm lại và gây mất xương. Tình trạng này nghiêm trọng hơn ở người đang trong độ tuổi mãn kinh.
Với nam giới, cơ thể sản xuất ít testosterone hơn khi nghiện rượu bia, dẫn đến giảm sản xuất các tế bào kích thích quá trình hình thành xương. Uống rượu bia thường xuyên còn tăng hormone tuyến cận giáp và cortisol. Hormone tuyến cận giáp gây mất canxi từ xương, trong khi nồng độ cortisol cao làm giảm sự hình thành xương và tăng sự phân hủy xương.
Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo người uống rượu bia nên giảm hoặc ngừng hẳn. Trong trường hợp phải uống, tốt nhất nam giới uống không quá hai đơn vị cồn mỗi ngày, một đơn vị cồn với nữ giới và không uống quá 5 ngày mỗi tuần. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai hay lon bia có dung tích 330 ml (5% cồn), một cốc bia hơi 330 ml (1-12% cồn), một ly rượu vang 100 ml (13,5% cồn) hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40% cồn).
Tăng cường sức khỏe xương bằng cách xây dựng thói quen sinh hoạt khoa học khác như sau:
Ăn uống đủ chất, nhất là các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe xương như canxi, vitamin D và vitamin K... có trong rau lá xanh, các sản phẩm từ sữa và đậu nành.
Cung cấp đủ vitamin D cho cơ thể bằng cách tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc thông qua chế độ dinh dưỡng. Vitamin D rất quan trọng với sức khỏe xương, giúp cơ thể hấp thụ canxi để duy trì mật độ xương.
Tập thể dục thường xuyên làm giảm tỷ lệ mất xương, thúc đẩy cải thiện mật độ xương, tăng cường sức mạnh cơ bắp và khả năng giữ thăng bằng, giảm nguy cơ té ngã.
Ngừng hút thuốc lá bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh người hút thuốc có nguy cơ loãng xương cao hơn.
Khám sức khỏe định kỳ hoặc khi có các dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh lý ở xương.
Phi Hồng