Hen suyễn là tình trạng viêm niêm mạc phế quản mạn tính. Bệnh gây phù nề niêm mạc phế quản, tăng tiết đờm và co thắt cơ trơn phế quản, khiến đường thở tắc nghẽn. Người bệnh thường ho, khó thở, thở khò khè, nặng ngực... nhất là khi gặp các tác nhân kích thích trực tiếp. Nếu bệnh tiến triển nặng, người bệnh có thể bị suy hô hấp, nguy hiểm tính mạng khi không được cấp cứu kịp thời.
Dù không thể chữa khỏi triệt để nhưng bệnh có thể kiểm soát tốt nếu được điều trị đúng cách, theo dõi chặt chẽ, dùng thuốc dự phòng. Chế độ dinh dưỡng khoa học cũng giúp nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng cho người bệnh, góp phần ngăn bệnh tái phát.
Chuyên viên dinh dưỡng Trần Phạm Thúy Hòa, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, lưu ý một số thực phẩm chứa thành phần chất phụ gia, chất bảo quản có thể gây phản ứng dị ứng, kích thích cơn hen suyễn. Dưới đây là một số loại thực phẩm người bệnh nên thận trọng sử dụng.
Hải sản đông lạnh có thể chứa lượng lớn hợp chất bảo quản sulfit để ngăn cản sự oxy hóa, ngăn nấm mốc và vi khuẩn phát triển, làm chậm quá trình biến đổi màu của thực phẩm. Người bị hen suyễn ăn những thực phẩm này có thể bị kích ứng vùng họng, co thắt cơ khí quản, ho nhiều, khó thở, khò khè. Trường hợp nặng có thể phát ban, sưng môi, lưỡi, cổ họng, tụt huyết áp, sốc phản vệ nguy hiểm đến tính mạng.
Theo chuyên viên Hòa, người bệnh nên hạn chế ăn hải sản đông lạnh. Với những loại hải sản tươi, người bệnh cẩn trọng nhóm động vật giáp xác như tôm, cua do có khả năng gây dị ứng cao. Người có cơ địa dị ứng với hải sản nên tránh.
Thực phẩm chứa nhiều muối ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp của người bệnh. Người bệnh chỉ nên sử dụng tối đa 5 g natri mỗi ngày. Ăn nhiều muối dễ gây ra tình trạng tích nước, phù nề ứ dịch trong các khoang như ổ bụng, màng phổi.
Thực phẩm muối chua như dưa cà muối, kim chi, rượu vang... có nhiều muối và các hợp chất chứa sulfit. Người bệnh hen suyễn sử dụng thực phẩm này trong thời gian dài có thể bị khó thở.
Thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa nếu tiêu thụ nhiều có thể gây thừa cân, béo phì. Điều này tác động xấu đến sức khỏe tổng thể, tăng tình trạng viêm, khiến phổi phải hoạt động nhiều hơn, suy giảm chức năng. Tình trạng làm trầm trọng thêm các triệu chứng hen.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến nghị lượng chất béo bão hòa tiêu thụ mỗi ngày dưới 7% tổng lượng calo mỗi ngày. Các chất béo lành mạnh như axit béo omega-3 trong cá, quả bơ, dầu ô liu... góp phần giảm tình trạng viêm và phản ứng viêm toàn thân ở người bệnh hen.
Thực phẩm chế biến sẵn như thịt nguội, xúc xích, dăm bông, thịt xông khói... chứa nhiều muối, chất béo, chất bảo quản như parabens, nitrat, nitrit, natri bisulfit, chất tạo màu và làm ngọt nhân tạo như tartrazine. Nếu tiêu thụ nhiều có thể kích hoạt cơn hen suyễn, làm nặng thêm tình trạng viêm phổi, suy giảm chức năng phổi. Theo chuyên viên Hòa, ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn so với chế độ ăn ít loại thực phẩm này.
Thực phẩm gây đầy hơi như bắp cải, đồ uống có gas, hành tây... nên tránh vì có thể gây đầy hơi, chướng bụng, tăng áp lực lên cơ hoành. Nếu người bệnh bị trào ngược axit có thể ho nhiều, dễ tức ngực, khó thở, tăng nguy cơ kích thích cơn hen.
Chuyên viên Thúy Hòa khuyên người bệnh nên tăng cường bổ sung vitamin và chất xơ từ rau xanh, hoa quả tươi. Chế độ ăn tập trung vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật giúp giảm các phân tử gây viêm. Ăn rau quả một lần mỗi ngày có liên quan đến lượng thở ra gắng sức cao hơn trong một giây (FEV1), giảm tỷ lệ mắc bệnh hen suyễn và giảm tỷ lệ thở khò khè.
Người bệnh nên chọn rau củ quả nhiều màu sắc giàu chất chống oxy hóa như beta-carotene, vitamin C, vitamin E... để chống viêm. Một số loại gia vị như tỏi, gừng, cam thảo, quế, mật ong... có chứa các hợp chất chống viêm, làm dịu các triệu chứng hen suyễn. Người bệnh có thể pha trà hoặc sử dụng để nêm nếm trong các món ăn.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |