Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, có hơn 150 loại đau đầu nhưng đau đầu kèm theo chóng mặt thường là các trường hợp đau đầu có nguyên nhân từ não bộ. Những bệnh này có thể thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng cũng có khả năng dẫn đến tử vong, để lại di chứng nặng nề.
Các nguyên nhân gây đau đầu kèm theo chóng mặt quen thuộc bao gồm căng thẳng, mắc bệnh đau nửa đầu, chấn thương não, đột quỵ... Nhưng bệnh cũng có thể do nhiều nguyên nhân không ngờ đến như dưới đây, theo bác sĩ Minh Đức.
Lượng đường trong máu thấp: Khi mức đường huyết giảm xuống dưới mức bình thường, cơ thể không có đủ glucose và năng lượng để hoạt động có thể khiến bạn bị đau đầu, chóng mặt. Tình trạng này thường xảy ra ở những người bệnh tiểu đường bị hạ đường huyết do thuốc hoặc muốn giảm cân mà nhịn đói trong một khoảng thời gian quá lâu.
Ngoài nhức đầu chóng mặt, lượng đường trong máu thấp có thể gây ra cảm giác ngứa ran quanh miệng, đổ mồ hôi, cơ thể run rẩy, buồn nôn, mệt mỏi, cáu gắt, da dẻ xanh xao nhợt nhạt... Bạn thử ăn hoặc uống một món nào đó có đường có thể giúp cơn đau đầu chóng mặt thuyên giảm hơn.
Nhiễm trùng do vi khuẩn và virus: Nếu bạn đau đầu kèm theo chóng mặt kèm theo sốt cao có thể là dấu hiệu cơ thể đang kiệt sức vì chống lại virus hoặc vi khuẩn xâm nhập. Khi nhiễm trùng, bạn dễ cảm thấy đau đầu, kiệt sức, mệt mỏi uể oải, không có năng lượng để làm bất cứ điều gì... Người bệnh cần đến khám bác sĩ nếu như có thêm các triệu chứng cảnh báo của viêm màng não như cứng gáy, nôn ói, sợ ánh sáng, li bì, nhìn mờ, nhìn đôi...
Mất nước: Tình trạng mất nước xảy ra khi cơ thể mất nhiều chất lỏng hơn lượng nước nạp vào. Thời tiết nóng bức, nôn mửa, tiêu chảy, sốt và dùng một số loại thuốc đều có thể dẫn đến mất nước. Người bệnh gặp hiện tượng đau đầu, chóng mặt, luôn trong tình trạng khát nước, nước tiểu sẫm màu, người mệt mỏi... Nếu không kịp thời bổ sung nước, bạn có thể mệt lả và rơi vào hôn mê, mất ý thức, phải truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Viêm mê đạo tai (Labyrinthitis): Viêm mê đạo tai là một dạng rối loạn tai trong, với hai dạng chính là viêm mê đạo tai do virus và viêm mê đạo tai do vi khuẩn. Các nguyên nhân dẫn đến viêm mê đạo tai thường là do bệnh đường hô hấp, nhiễm virus ở tai trong hoặc ở dạ dày... Đau đầu, chóng mặt là triệu chứng phổ biến ở người viêm mê đạo tai. Ngoài ra còn có một số triệu chứng khác như mờ mắt, hoa mắt, mất thính giác nhẹ, ù tai...
Thiếu máu: Đây là tình trạng cơ thể không có đủ tế bào hồng cầu để vận chuyển oxy đến các cơ quan khác trong cơ hiệu quả. Nếu không có đủ oxy, cơ thể nhanh chóng trở nên yếu ớt và mệt mỏi, nhịp tim không đều, tức ngực, khó thở, chóng mặt, đau đầu...
Suy giảm thị lực: Những người cận thị hoặc viễn thị, loạn thị nhưng không đeo kính hoặc đeo kính sai độ rất dễ gặp tình trạng nhức đầu chóng mặt. Nếu bạn phớt lờ các dấu hiệu trên và liên tục không đeo kính thì rất dễ dẫn đến suy giảm thị lực nghiêm trọng, mất thị lực.
Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, thuốc huyết áp, thuốc điều trị rối loạn cương dương, thuốc kháng sinh, thuốc tránh thai hay thuốc giảm đau có thể đi kèm với các tác dụng phụ. Trong đó, triệu chứng nhức đầu, chóng mặt là phổ biến nhất. Bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn, luôn trong trạng thái bứt rứt, mệt mỏi...
Nhức đầu, chóng mặt thường xuyên có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, khiến người bệnh không đủ tỉnh táo để làm việc, có thể gây té ngã, chấn thương, dễ thay đổi tâm trạng. Bệnh cũng có thể là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đe dọa tính mạng. Bác sĩ Minh Đức khuyên, người bị đau đầu chóng mặt tốt nhất nên tìm một không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi, uống nhiều nước, chườm nóng hoặc chườm lạnh, massage đầu... Người bệnh lưu ý không tự sử dụng và lạm dụng thuốc để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra; cần đi khám để tìm ra nguyên nhân, từ đó mới có cách khắc phục phù hợp.
Kim Dung