Bác sĩ chuyên khoa 2 Thân Thị Minh Trung - Phó trưởng khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đau đầu là tình trạng rất phổ biến. Khoảng 50% người lớn có ít nhất một lần đau đầu trong mỗi năm. Mặc dù tỷ lệ cơn đau vùng đầu thay đổi theo từng cá nhân hay vùng địa lý, nhưng nó vẫn luôn là một trong các vấn đề sức khỏe thường gặp nhất.
Nhiều người đau đầu thường xuyên nhưng chủ quan, không biết nguyên nhân, có thể tiềm ẩn những hệ lụy nguy hiểm. Đau đầu có hai nhóm nguyên nhân chính. Thứ nhất là đau đầu nguyên phát, chiếm 90% nguyên nhân gây đau đầu, không do nguyên nhân thực thể. Các yếu tố đau đầu nguyên phát bao gồm: căng thẳng, lo âu, uống nhiều rượu, bia, đồ uống chứa caffein, đứng, ngồi sai tư thế ảnh hưởng lên mắt, cổ hoặc lưng. Thường tiếp xúc với ánh sáng mạnh, tiếng ồn hoặc thời tiết thay đổi... cũng gây ra tình trạng này.
Thứ hai là đau đầu thứ phát, tức cơn đau xuất hiện do một hay nhiều bệnh lý cụ thể gây ra. Nhóm đau đầu này chiếm tỷ lệ ít, khoảng 10% nhưng tiềm ẩn nguy hiểm. Ví dụ, đau đầu nguyên phát có thể do các bệnh thần kinh như u não, chấn thương sọ não, bệnh màng não - mạch máu não, hội chứng tăng áp lực nội sọ... Đau đầu do bệnh toàn thân như nhiễm khuẩn toàn thân cấp tính, nhiễm độc... Đau đầu do các bệnh nội khoa như bệnh tim mạch, bệnh tiêu hóa, bệnh nội tiết, thiếu máu... Tình trạng này còn do các bệnh chuyên khoa khác như bệnh về mắt, tai mũi họng, cơ xương khớp, nha khoa...
Các trường hợp đau đầu nguyên phát hoặc tiềm ẩn nguy cơ nguy hiểm thường sẽ có tần suất, cường độ hay những biểu hiện đặc thù đi kèm. Theo đó, bác sĩ Minh Trung khuyến cáo, người bệnh không nên chủ quan khi bị đau đầu kèm những dấu hiệu như: cơn đau xảy ra đột ngột, trở nặng trong vòng vài giây hoặc vài phút hoặc cơn đau tồi tệ đến mức không thể chịu được; đau đầu nặng kèm theo sốt hoặc cứng cổ. Người bệnh có thể có tình trạng co giật, thay đổi tính cách, lú lẫn hoặc ngất xỉu; cơn đau xuất hiện nhanh chóng sau khi tập thể dục gắng sức hoặc chấn thương nhẹ.
Cơn đau đầu mới xuất hiện, đi kèm biểu hiện yếu, tê tay chân, nhìn mờ, méo nhẹ một bên mặt,... người bệnh không nên chậm trễ có thể là dấu hiệu của cơn đột quỵ sắp diễn ra. Các cơn đau đầu xuất hiện dai dẳng, thường xuyên, gây cản trở các hoạt động bình thường hoặc nặng dần theo thời gian, người bệnh cũng nên đến gặp bác sĩ sớm để kiểm tra.
Cải thiện tình trạng đau đầu
Để có kết quả chẩn đoán đau đầu, nhất là đau đầu thứ phát, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng liên quan. Điều trị đau đầu thứ phát cần điều trị dứt điểm các nguyên nhân bệnh lý liên quan. Người bệnh không thể tự điều trị tại nhà. Ví dụ, nếu nguyên nhân thứ phát gây đau đầu là các bệnh lý tim mạch thì bác sĩ nội thần kinh cần phối hợp với bác sĩ chuyên khoa tim mạch...
Những biện pháp giúp giảm hay xoa dịu cơn đau đầu tại nhà. Hạn chế tối đa căng thẳng và sử dụng các phương pháp đối phó lành mạnh nếu gặp phải những căng thẳng không thể tránh khỏi. Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất. Ăn điều độ, không bỏ bữa. Uống đủ nước, nhất là trong những ngày nóng bức vì thiếu nước có thể khiến máu, não thiếu oxy, cơ thể choáng váng, mệt mỏi. Hạn chế bia rượu, thuốc lá, chất caffein...
Thiếu ngủ cũng khiến cơn đau nhức đầu khởi phát hoặc tăng nặng. Người bệnh nên ngủ đủ giấc (7-8 tiếng mỗi đêm) để giúp nâng cao năng lượng vào buổi sáng, giảm mệt mỏi, đau đầu và căng thẳng. Tập thể dục thường xuyên, ít nhất ba lần một tuần trong 30 phút có thể giảm căng thẳng, giảm đau đầu và nâng cao sức khỏe tổng thể.
Mọi người nên sống vui, sống khỏe, sống chậm lại và quan tâm đến sức khỏe của bản thân nhiều hơn. Người bệnh nên đi khám kịp thời trong trường hợp có các dấu hiệu đáng ngờ để kịp thời can thiệp, tránh những hậu quả có thể xảy ra.
Minh Anh