Đau đỉnh đầu là cơn đau đầu âm ỉ hoặc đột ngột ở trên đỉnh đầu. Khi đó, người bệnh có cảm giác giống như đang có một vật nặng đè chặt phía trên đỉnh đầu gây đau nhói. Ở một số người, đau đỉnh đầu còn kéo theo các triệu chứng khác như chóng mặt, buồn nôn, đau hàm, đau cổ, nhạy cảm với tiếng ồn hoặc ánh sáng... Hiện tượng đau đỉnh đầu có thể xảy ra trong vài phút nhưng cũng có khi kéo dài dai dẳng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.
BS.CKI Hoàng Châu Bảo Đính - Khoa Nội thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hầu hết mọi người từng gặp phải cơn đau đỉnh đầu một hoặc nhiều lần với nhiều lý do khác nhau. Trong các trường hợp hiếm liên quan tới các bệnh lý nguy hiểm, người bệnh không chỉ đau vùng đỉnh đầu mà còn có thể gặp phải tình trạng chảy máu cam, khó thở hoặc rối loạn lo âu.
Dưới đây là 10 nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng đau đỉnh đầu kèm các triệu chứng điển hình mà mọi người cần cảnh giác, theo bác sĩ Bảo Đính:
Đau nửa đầu: Chứng đau nửa đầu có thể gây ra cơn đau bên nửa đầu trái, phải đầu, đau đằng sau gáy hoặc trên đỉnh đầu. Mỗi cơn đau kéo dài từ vài giờ đến 2-3 ngày hoặc trở thành mạn tính, đi kèm với các biểu hiện khác như nhạy cảm với âm thanh hoặc ánh sáng, buồn nôn, nôn ói...
Đau đầu từng cụm: Cơn đau đầu từng cụm thường ở vùng quanh hoặc sau hốc mắt một bên. Cơn đau này có thể lan ra đến đỉnh đầu của bạn, kèm theo triệu chứng sụp mi mắt, mắt sưng đỏ và chảy nước, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi. Thông thường, cơn đau đầu từng cụm diễn ra vào cùng một thời điểm trong ngày, cường độ đau dữ dội khiến người bệnh rất khó chịu.
Viêm xoang: Người bị viêm xoang có thể cảm thấy đau đỉnh đầu, đau một, hai bên hoặc đau đỉnh đầu. Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định dùng thuốc hoặc phẫu thuật để điều trị viêm xoang phổ biến. Khi tình trạng viêm xoang được thuyên giảm, bạn cũng ít gặp tình trạng này hơn.
Đau dây thần kinh chẩm: Các dây thần kinh dẫn từ cột sống lên tới đỉnh đầu khi bị kích thích dẫn đến đau lưng hoặc đau đỉnh đầu. Các nguyên nhân đau dây thần kinh chẩm thường gặp bao gồm chấn thương phía sau đầu, căng cơ cổ, viêm xương khớp chèn ép dây thần kinh, có khối u ở cổ...
Hội chứng co mạch não có hồi phục: Hội chứng này khiến những cơn đau đỉnh đầu dữ dội, đột ngột, có thể dẫn đến đột quỵ, tàn tật hoặc tử vong.
Tăng huyết áp: Huyết áp tăng đột ngột (từ 180/120mmHg trở lên) dẫn đến đau đỉnh đầu, kèm theo một số triệu chứng bệnh khác như tức ngực, khó thở, chảy máu cam...
Thiếu máu lên não: Số lượng hồng cầu lưu thông trong máu thấp hơn bình thường làm cho cơ thể thiếu oxy vận chuyển lên não. Nguyên nhân thiếu máu có thể do bệnh thalassemia, thiếu vitamin, thiếu sắt... Người bị thiếu máu lên não sẽ có triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, chóng mặt...
Lạm dụng thuốc: Lạm dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn (OTC) hoặc cả thuốc kê theo toa có thể dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn. Trong đó, có tình trạng đau đầu hoặc đau đỉnh đầu kéo dài.
Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ: Mất ngủ, thiếu ngủ, ngủ không sâu giấc... đều có thể khiến bạn đau đỉnh đầu do rối loạn sản sinh các chất dẫn truyền thần kinh, nhất là chất dẫn truyền thần kinh orexin. Người bệnh cần điều trị triệt để các vấn đề rối loạn giấc ngủ vì nó gây đau đầu và ngược lại, những cơn đau đỉnh đầu cũng khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn.
Tập thể dục hoặc vận động quá sức: Tập thể dục với cường độ cao hoặc vận động quá sức khiến huyết áp tăng nhanh, từ đó, dẫn đến đau đầu. Ngược lại, người tập thể dục vừa phải lại có thể khắc phục được tình trạng này.
Thay đổi thời tiết hoặc kích thích lạnh, "đông cứng não" (khi cơ thể tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ lạnh như ăn kem, uống nước đá...) cũng là yếu tố nguy cơ. Nguyên nhân do thời tiết có thể kèm theo biểu hiện buồn nôn, nôn ói. Trong khi đó, đau đỉnh đầu do căng thẳng có thể đau lan ở vùng thái dương, vùng cổ gáy, diễn ra trong khoảng một tuần.
Khi đau đỉnh đầu, người bệnh có thể thư giãn, thiền, tập yoga, tắm nước ấm, chườm mát đầu... để xoa dịu. Tuy nhiên, theo bác sĩ Bảo Đính, đau đỉnh đầu có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe đáng lo ngại. Điều quan trọng là tìm ra nguyên nhân bệnh để có hướng điều trị phù hợp. Nếu cơn đau thường xuyên lặp lại, không thuyên giảm mặc dù đã dùng thuốc giảm đau và thư giãn, người bệnh không nên chủ quan, cần đến cơ sở y tế để thăm khám càng sớm càng tốt. Không nên tự ý sử dụng và không lạm dụng thuốc giảm đau để tránh các biến chứng không mong muốn.
Dung Nguyễn