Bắt nạt trẻ con là một hiện tượng có thật trong giáo dục gia đình và nhà trường hiện nay. Có điều, người lớn không nhận ra hoặc không thừa nhận thực tế đó. Người lớn luôn mang tất cả tiêu chuẩn và nhận thức của mình để áp đặt cho trẻ: yêu cầu trẻ nghĩ như mình, làm như mình, sống như mình. Chỉ có con trẻ, với tư cách nạn nhân, là thấm thía và đau khổ, nhiều khi đến mức trầm cảm.
Gần đây, tôi đã kinh hoàng khi đọc tin tức về việc một giáo viên cắt tóc nữ sinh ngay trên bục giảng như một hình phạt cho lỗi sai mà em này phạm phải. Ngoài chi tiết cô giáo cầm kéo cắt tóc của nữ sinh, điều làm tôi thấy sợ hơn cả chính là dáng khoanh tay chịu đựng của cô học trò.
Sự thật là việc giáo dục bằng bắt nạt, mà đỉnh điểm là bạo lực, không chỉ có tác động tiêu cực đến sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ em, mà nó còn vô tình khiến cho người trẻ (đặc biệt các đối tượng dễ bị tổn thương như học sinh) hình thành một tâm lý cam chịu bạo lực, coi đó như một giải pháp hiển nhiên. Trẻ chấp nhận chịu đòn, chịu phạt thay vì đặt nghi vấn ngược lại khi bị người lớn áp chế quyền và xâm hại thân thể, tinh thần. Điều này đặc biệt có hại với sự tự tin ở giới nữ và trẻ có hoàn cảnh thua thiệt.
>> 'Dùng đòn roi dạy con thành tiến sĩ'
Nếu duy trì, tâm lý và thói quen cam chịu này, trẻ sẽ mang chúng theo đến khi trưởng thành. Kết quả, họ đối mặt rủi ro chịu đựng nhiều bất công về phần mình trong các quan hệ xã hội lẫn gia đình sau này, nhất là khi bạo lực ngày càng có nhiều hình thức biểu hiện phức tạp. Vì học sinh ngày nay dành hầu hết thời gian ở trường, nên cải cách tư duy giáo dục trong học đường là điều rất bức thiết.
Một người bị bạo hành, nhất là bởi người thân, thường sẽ có hai xu hướng khi lớn lên: hoặc là thiếu tự tin và dễ bị người khác lấn át, hoặc là biến bản thân trở thành kẻ bắt nạt. Tôi cũng từng (và không hẳn là đã hết) có suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Tuy đa phần nhìn ra được sự độc hại trong các mối quan hệ để dừng lại kịp lúc hoặc tìm cách thích nghi và hạn chế bị bắt nạt, nhưng thú thực tôi cũng phải trải qua quá trình luyện tập, cùng cả sự may mắn mới có thể vượt qua được..
Gần đây, khi họp qua mạng với một sinh viên ở Việt Nam, tôi đã rất bất ngờ về thái độ rất lễ độ pha lẫn sợ sệt của nữ sinh này. Là người bận lòng với cách nhiều sinh viên Mỹ cư xử thiếu nhã nhặn với giáo sư của họ, tôi mong giáo dục tìm được điểm cân bằng, để người dạy và người học đều được tôn trọng, không tồn tại sự vô lễ, nhưng cũng đừng theo kiểu phục tùng vô điều kiện.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.