Quốc hội đã ban hành và cập nhật Luật Trẻ em, Luật số 102/2016/QH13 là văn bản hiện hành, có hiệu lực từ ngày ký 5/4/2016. Nội dung luật có đề cập và cấm các hành vi Bạo lực trẻ em, theo định nghĩa ở văn bản luật, là: "hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại sức khỏe, thân thể; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất và tinh thần của trẻ em".
Dù Luật đã quy định cấm, thực tế vẫn còn một bộ phận không nhỏ các công dân Việt Nam, ở độ tuổi trưởng thành, cho rằng việc đánh răn đe là cần thiết trong dạy trẻ, mà không biết hoặc lờ đi yếu tố luật pháp. Không ít người lấy bản thân làm ví dụ của việc nên người nhờ đòn roi để tán đồng, hoặc ngó lơ, hoặc trực tiếp thực hiện việc đánh trẻ em. Có cả phụ huynh cho phép hoặc nhờ thầy cô đánh dạy con mình ở trường.
Những ý kiến ủng hộ không dùng đòn roi trong dạy trẻ thường nhận những phản hồi kiểu: "không đánh thì dạy bằng cách nào cho trẻ nghe lời?", "thà đánh khi nhỏ còn hơn để con lớn lên hư hỏng", "đánh để dạy khác với bạo hành"... Ở bài viết này, tôi xin phép chỉ tập trung vào yếu tố pháp luật. Luật trẻ em không đề cập khái niệm "đánh đề răn đe", nên không có ngoại lệ hay giới hạn miễn trừ cho hành vi đánh trẻ em. Đánh trẻ em nghĩa là phạm tội Bạo hành trẻ em, vì Luật đã quy định như vậy, có khác chăng là mức độ phạm tội nặng hay nhẹ.
>> Huyễn hoặc 'đánh đập để con nên người'
Bất kể bạn và tôi có tin, hay không vào hiệu quả của việc dạy trẻ bằng đòn roi; bất kể trải nghiệm tuổi thơ của bạn và của tôi có chịu ám ảnh đòn roi hay không, thảy đều không quan trọng bằng việc: tuân thủ pháp luật hiện hành. Hãy cùng nhau bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, dù là với mục đích gì; cùng nhau nói "không" với dạy trẻ bằng đòn roi, dù nặng hay nhẹ. Hãy cùng nhau giảm thiểu những trường hợp trẻ em bị tổn thương bởi bạo lực, để thế hệ tiếp theo sẽ không lặp lại câu nói: ai lớn lên mà chưa từng bị đánh?
Mọi công dân đều cần biết: đánh trẻ là hành vi vi phạm pháp luật, cụ thể là Luật Trẻ em. Lý do này, theo tôi, đã đủ mạnh để ngăn đa số người trưởng thành phạm tội đánh trẻ; cũng giống như Luật Bảo vệ tài sản đủ mạnh để ngăn đa số chúng ta khỏi phạm tội trộm cướp. Sẽ vẫn có những người biết mà vẫn phạm luật, và họ sẽ bị xử lý nghiêm minh để răn đe xã hội: đánh trẻ em vài roi cũng có thể sẽ bị phạt tù; cũng như trộm cướp dù vài trăm ngàn cũng có thể bị phạt tù.
Nếu bạn biết ơn việc bị đòn khi nhỏ và tin rằng nhờ có đòn roi mà bạn nên người, thì tôi tôn trọng niềm tin của bạn và không có ý định thuyết phục bạn nghĩ hay tin khác đi. Càng mơ hồ không rõ về điều gì, người ta càng dễ bị thuyết phục bởi quyền năng bên ngoài; chẳng hạn nhiều người làm ăn rất tin vào việc coi ngày hay cúng bái và tâm niệm là nhờ được ai đó phù hộ nên mới phát đạt. Ai tin cứ tin. Luật không cấm cúng bái, nên ai muốn cứ cúng.
Luật đã cấm đánh trẻ em, nên dù bạn có tin "mình bị đòn mới nên người" thì cũng không được phép đánh con mình để nó nên người.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.