Tiểu đường là một trong những bệnh mạn tính nguy hiểm có liên quan nhiều đến chế độ ăn uống hằng ngày. ThS.BS.CKI Hà Thị Ngọc Bích, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, lưu ý một số món ăn quen thuộc có chỉ số đường huyết cao (GI) có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe khi ăn nhiều.
Thịt đỏ
Ăn quá nhiều các loại thịt heo, thịt bò, thịt cừu... có thể gây béo phì, từ đó gia tăng tình trạng đề kháng insulin, có nguy cơ cao phát triển bệnh tiểu đường type 2. Bởi thịt đỏ chứa nhiều chất béo bão hòa, cholesterol làm tăng kháng insulin, khiến cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả dẫn đến lượng đường trong máu cao. Các loại thịt đỏ chế biến như thịt xông khói, xúc xích... còn nhiều chất bảo quản, hương liệu chứa nitrat, nitrit gây tổn hại tế bào beta trong tuyến tụy, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất insulin.
Để phòng bệnh tiểu đường, bác sĩ Bích khuyến cáo ăn thịt đỏ lượng phù hợp, có thể thay thế thịt đỏ bằng các nguồn protein lành mạnh khác như thịt trắng (cá, gà, vịt), protein thực vật (đậu nành, trứng).
Bánh mì trắng
Bánh mì trắng được làm từ bột mì, chứa hàm lượng tinh bột cao. Trung bình 100 g bánh mì trắng cung cấp 266 kcal. Ăn quá nhiều bánh mì trắng khiến cơ thể dư năng lượng, có khả năng gây thừa cân, béo phì và gián tiếp tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Cơm trắng
Về mặt dinh dưỡng, cơm trắng được xếp vào nhóm thực phẩm có GI cao. Thông thường, GI trong thực phẩm thể hiện mức độ chuyển hóa đường huyết từ tinh bột sau khi tiêu thụ. GI trung bình là 55-70. GI của cơm trắng dao động ở mức 70-79,6, tùy loại gạo và cách chế biến.
Khi ăn cơm trắng, lượng đường được hấp thụ vào máu nhanh, làm tăng lượng đường huyết. Bác sĩ Bích khuyên bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế cơm trắng trong khẩu phần ăn hằng ngày, khoảng 1 chén cơm (150 g) mỗi bữa. Người bình thường nên điều chỉnh tùy vào mức tiêu hao năng lượng của cơ thể, tránh quá nhiều dẫn đến tăng cân, béo phì.
Trái cây có lượng đường cao
Carbohydrate trong xoài, dứa, nho khô, dưa hấu, chà là sấy khô... được chuyển thành đường glucose và hấp thụ vào máu, khiến đường huyết tăng lên. Người tiểu đường nên ăn trái cây có GI thấp như ổi, táo, cam, bưởi... Một số loại có GI cao chỉ nên ăn một lượng nhỏ kết hợp thực phẩm giàu protein và chất xơ.
Củ, quả chứa tinh bột
Khoai tây, khoai lang, bí đỏ, đậu, bắp, củ cải đường, khoai môn, khoai mỡ... chứa nhiều tinh bột cũng có thể làm tăng đường huyết. Mỗi người cần kiểm soát khẩu phần ăn rau củ tinh bột vừa phải (khoảng 70-180 g mỗi ngày) để vẫn đảm bảo dinh dưỡng mà không tác động xấu tới lượng đường huyết của cơ thể.
Phòng tránh nguy cơ tiểu đường, béo phì từ sớm bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh, kết hợp tập thể dục, tầm soát và kiểm tra sức khỏe mỗi năm ít nhất một lần.
Tuyết Trinh
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |