Trả lời:
Bạn không nêu rõ số cân nặng và chiều cao nên không xác định được chỉ số BMI và mức độ thừa cân. Tuy nhiên, qua những gì mô tả, có thể bạn đang trong tình trạng thừa cân gây ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Triệu chứng điển hình là đau thắt ngực, hụt hơi, khó thở.
Lượng mỡ thừa làm tăng áp lực lên thành ngực hoặc áp lực lên cơ hoành, chất béo dư thừa đè lên vùng ngực. Thở hụt hơi cũng là một triệu chứng của hội chứng giảm thông khí do béo phì (Obesity hypoventilation syndrome - OHS). Đây là tình trạng rối loạn thông khí, làm giảm mức độ oxy trong khi tăng lượng carbon dioxide trong máu. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Tim nhạy cảm với sự thay đổi trọng lượng cơ thể. Tim của người béo phì thường phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, dễ quá tải, dẫn đến những tổn thương vĩnh viễn, khiến cho tim hoạt động kém hiệu quả. Mỡ thừa còn làm tăng áp lực lên tim và các mạch máu, thay đổi trong cấu trúc hoạt động của hệ thống tim mạch.
Lượng mỡ tích tụ, nhất là mỡ nội tạng tạo áp lực lên thành mạch, làm tăng huyết áp. Huyết áp cao gây ra rối loạn nhịp tim, yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tim mạch.
Một trong những biểu hiện thường gặp của rối loạn nhịp tim là đau ngực. Bởi khi nhịp tim tăng cao, cơ thể cần nhiều oxy hơn, dẫn đến khó thở. Đây là triệu chứng phổ biến ở những người có thói quen ít vận động và thừa cân. Triệu chứng có xu hướng tăng nặng khi tham gia các hoạt động thể chất, vận động quá sức. Người bệnh có thể chóng mặt và ngất xỉu nếu nhịp tim hoạt động quá mức.
Giảm cân là một trong những mục tiêu hàng đầu để kiểm soát rối loạn nhịp tim. Duy trì trọng lượng cơ thể phù hợp giúp giảm áp lực lên tim, từ đó cải thiện tình trạng sức khỏe tim mạch. Khi phát hiện nhịp tim bất thường, bạn cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa về giảm cân và tim mạch để được khám, chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.
BS.CKI Võ Trần Nguyên Duy
Trung tâm Kiểm soát cân nặng và Điều trị béo phì
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết tại đây để bác sĩ giải đáp |