Rối loạn tiêu hóa xuất phát từ nhiều nguyên nhân như viêm đại tràng, các bệnh liên quan đến dạ dày, mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, chế độ ăn uống thiếu khoa học, không đảm bảo vệ sinh, dùng nhiều đồ uống có cồn. Triệu chứng gồm đau bụng, đầy hơi, chướng bụng, đi ngoài... gây cảm giác mệt mỏi.
Bác sĩ Hoàng Nam, khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết một số cách như điều chỉnh chế độ ăn uống, chọn thực phẩm an toàn, góp phần giảm triệu chứng khó chịu, hồi phục sức khỏe hệ tiêu hóa.
Cháo mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, không gây kích thích đường ruột và cung cấp các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết. Người bệnh nên sử dụng các loại cháo thanh đạm như cháo bí ngô thịt nạc, cháo cá diếc táo đỏ, cháo bát bảo. Tránh các loại cháo nhiều đạm như hải sản gây khó tiêu, đầy bụng.
Sữa chua có hàm lượng lớn lợi khuẩn, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, kích thích hệ tiêu hóa hoạt động. Ăn một hộp sữa chua sau bữa chính khoảng 1-2 tiếng giúp tránh khó tiêu, đầy hơi, giảm táo bón.
Trái cây và rau củ giàu vitamin, khoáng chất, tăng đề kháng và miễn dịch, làm đẹp da, có lợi cho hệ tiêu hóa.
Chuối nhiều kali, cung cấp chất điện phân cho cơ thể. Chất xơ trong chuối có tác dụng hấp thu chất lỏng thừa trong dạ dày do tiêu chảy, khôi phục một số vi khuẩn có ích cho dạ dày.
Dứa (thơm) thúc đẩy hấp thụ protein trong cơ thể, làm giảm triệu chứng chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu.
Quả bơ duy trì chức năng tối ưu của đường tiêu hóa (túi mật, tuyến tụy, gan). Nó giúp chuyển đổi beta-carotene thành vitamin A, cần thiết cho niêm mạc lót của toàn bộ đường tiêu hóa.
Táo cung cấp cả chất xơ hòa tan và không hòa tan, giảm nguy cơ táo bón, tăng cường sức khỏe tổng thể.
Các loại rau củ như bông cải xanh, cải bắp, súp lơ, cà rốt, dưa chuột, khoai lang, khoai tây có hàm lượng chất xơ lớn, giúp nhuận tràng, cải thiện táo bón và các bệnh đại tràng.
Ngoài bổ sung những thực phẩm trên vào khẩu phần ăn hàng ngày, người bị rối loạn tiêu hóa cũng lưu ý thói quen sinh hoạt để tránh tái phát bệnh hoặc trở nặng.
Bác sĩ Nam khuyến cáo nên đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi, không ăn đồ ôi thiu. Ăn uống điều độ đúng giờ, không bỏ bữa hoặc ăn quá no, buổi tối nên ăn nhẹ. Uống đủ nước (khoảng 2-3 lít mỗi ngày) bằng nước lọc hoặc các loại nước bù điện giải để ngăn ngừa mất nước do tiêu chảy. Tránh sử dụng rượu bia, cà phê, thực phẩm giàu chất béo, đồ ăn nhanh chế biến sẵn, đồ uống có ga vì dễ kích ứng, làm trầm trọng thêm triệu chứng rối loạn tiêu hóa.
Chế độ sinh hoạt và làm việc khoa học, không thức khuya, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng. Kết hợp vận động và tập luyện thể thao đều đặn nhằm gia tăng nhu động ruột, giúp ăn ngon, hấp thụ tốt.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |