Chuối giàu dinh dưỡng, nhiều kali, carbohydrate, vitamin nhóm B và một số khoáng chất như mangan, magie, phospho. Loại quả này chứa tinh bột kháng - một loại chất xơ, giúp nuôi dưỡng lợi khuẩn đường ruột như bifidobacterium, lactobacillus. Ăn chuối điều hòa nhu động ruột, tốt cho người táo bón.
Chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Thu Huyền, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết chuối chứa nhiều đường fructose, sorbitol. Người có vấn đề tiêu hóa dễ đầy hơi, chướng bụng nếu ăn nhiều. Dưới đây là một số nhóm bệnh tiêu hóa nên hạn chế chuối.
Hội chứng ruột kích thích: Sorbitol trong chuối là một loại đường rượu, có tác dụng nhuận tràng. Khi ăn nhiều, lượng sorbitol dư thừa làm đầy hơi, đau chướng bụng, tiêu chảy, không có lợi với người mắc hội chứng ruột kích thích.
Không dung nạp đường fructose: Đây là tình trạng các tế bào trên bề mặt ruột non không thể phân hủy hoàn toàn và hấp thụ đường fructose. Trung bình 100 g chuối chín chứa khoảng 6 g fructose. Người không dung nạp đường fructose tiêu thụ quá nhiều có thể buồn nôn, đau chướng bụng đầy hơi, tiêu chảy....
Ngoài chuối, nên cân đối lượng thực phẩm ngọt, trái cây mỗi ngày. Tính toán lượng đường fructose phù hợp giúp kiểm soát triệu chứng.
Đau dạ dày: Theo chuyên viên dinh dưỡng Thu Huyền, người có tiền sử đau dạ dày nên hạn chế chuối tiêu còn xanh. Loại quả này nhiều nhựa, hàm lượng pectin cao, kích thích dạ dày tăng tiết axit, gây đầy chướng bụng, đau âm ỉ, nóng rát vùng thượng vị, trào ngược dạ dày. Chuối ngự, chuối cau, chuối lá, chuối tây... có thể dùng nhưng ở mức vừa phải.
Người bệnh cần tránh chuối khi đói vì hàm lượng cao magie, vitamin C không tốt cho dạ dày. Nếu duy trì thói quen này trong thời gian dài khiến thành dạ dày bị bào mòn, đau, viêm loét tiến triển nặng. Nên ăn chuối sau bữa ăn khoảng 20-30 phút.
Dị ứng chuối: Protein trong loại quả này có cấu trúc tương tự phấn hoa, nhựa mủ nên người có cơ địa nhạy cảm có thể dị ứng với chuối. Triệu chứng gồm ngứa miệng ngứa cổ họng, nổi mày đay, khàn giọng, khó nuốt, khó thở, chóng mặt, có thể bất tỉnh. Theo chuyên viên Thu Huyền, dị ứng chuối hiếm gặp.
Mọi người chỉ nên tiêu thụ 1-2 quả chuối mỗi ngày. Kết hợp với các chất béo lành mạnh trong bơ đậu phộng, sữa chua, ngũ cốc... để trung hòa axit, làm chậm quá trình chuyển hóa đường và ngăn ngừa insulin tăng đột biến.
Tránh ăn chuối vào bữa sáng vì có thể tăng đột biến lượng đường trong máu, khiến cơ thể mệt mỏi, buồn ngủ. Ăn chuối sau bữa tối, axit amin tryptophan, magie, sau khi nạp vào cơ thể kích thích sản xuất serotonin, hormone melatonin và kiềm chế mức độ cortisol, giúp ngủ ngon, sâu giấc hơn. Hàm lượng kali và magie cao có thể cân bằng điện phân trong cơ thể, ngăn ngừa chuột rút về đêm.
Sau khi ăn, nếu thấy thay đổi bất thường, người bệnh có thể giảm khẩu phần, theo dõi trong các lần sau đó. Trường hợp triệu chứng nặng, khó chịu nên đi khám để được tư vấn.
Trịnh Mai
Độc giả có thể đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp