Hầu hết mọi người đều bị đau dạ dày ít nhất một lần trong đời. Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây đau dạ dày, có thể cấp tính hoặc mạn tính. Nếu tình trạng nhẹ, người bệnh có thể khắc phục bằng các biện pháp tại nhà. Song, nếu cơn đau bụng dai dẳng hoặc dữ dội, nghiêm trọng thì người bệnh nên đến bệnh viện thăm khám. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây đau dạ dày.
Hội chứng ruột kích thích (IBS): Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau bụng. Các triệu chứng thường gặp như đau ở vùng bụng, bụng khó chịu thừng xuyên, thói quen đi tiêu bị thay đổi, buồn nôn và nôn. Việc điều trị sẽ khác nhau tùy thuộc vào các triệu chứng, có thể bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống, thuốc và thay đổi hành vi lối sống. Người bệnh cũng nên giảm căng thẳng vì đây có thể nguyên nhân làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Không dung nạp lactose: Các triệu chứng của chứng không dung nạp lactose bao gồm đau bụng quặn thắt (thường ở bụng dưới), chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy và nôn mửa. Tình trạng này xảy ra khi ăn các sản phẩm sữa có chứa đường lactose. Do đó, bạn nên loại bỏ hoặc hạn chế các sản phẩm từ sữa khỏi chế độ ăn uống nếu không dung nạp lactose. Các thuốc thay thế enzym có thể giảm triệu chứng hoặc điều trị các nguyên nhân thứ phát gây thiếu hụt men lactase như bổ sung canxi và vitamin D (theo hướng dẫn của bác sĩ).
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: Bệnh nhân trào ngược dạ dày thực quản (GERD) thường phàn nàn về chứng ợ nóng, nôn trớ và khó nuốt. Tuy nhiên, một số người cũng có thể bị đau dạ dày hoặc đau ngực, buồn nôn, ho mạn tính, khàn giọng hoặc thở khò khè. Các triệu chứng nhẹ và không liên tục có thể được kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống và chế độ ăn uống. Người bệnh có thể phải dùng thuốc đối với các triệu chứng dai dẳng. Tình trạng nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật.
Đầy hơi và chướng bụng: Khí trong đường tiêu hóa đến từ không khí nuốt vào và sự phân hủy bình thường của một số loại thực phẩm không tiêu. Khí này có thể thoát ra ngoài khi xì hơi. Đau bụng và các triệu chứng khác như ợ hơi, đầy hơi, chướng bụng và chuột rút có thể trở nên trầm trọng hơn do một số sản phẩm từ sữa và chất làm ngọt nhân tạo.
Người bệnh nên thay đổi chế độ ăn uống và có thể dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bạn bị đầy hơi mạn tính và đau dữ dội có thể là dấu hiệu của một tình trạng tiêu hóa tiềm ẩn cần được bác sĩ kiểm tra.
Viêm dạ dày: Các triệu chứng của viêm dạ dày tương tự như trào ngược dạ dày thực quản (GERD), bao gồm khó chịu, đau bụng, ợ chua, buồn nôn và nôn. Viêm dạ dày có thể do kích ứng khi sử dụng quá nhiều rượu, căng thẳng, dùng thuốc như thuốc chống viêm, trào ngược dịch mật và nhiễm trùng do vi khuẩn như Helicobacter pylori (HP). Nếu viêm dạ dày kéo dài có thể dẫn đến loét và ung thư dạ dày.
Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân cụ thể và bác sĩ có thể kê các đơn thuốc phù hợp với người bệnh.
Viêm loét dạ dày tá tràng: Tình trạng này thường bao gồm đau bụng trên với cơn đau thỉnh thoảng khu trú sang một bên. Các triệu chứng khác bao gồm chướng bụng, đầy hơi, buồn nôn và không thể ăn một bữa no hoặc cảm thấy no dù chỉ ăn ít. Bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh dùng các loại thuốc thích hợp để thúc đẩy quá trình lành vết loét.
Viêm dạ dày ruột và viêm đại tràng nhiễm trùng: Đây là các tình trạng viêm trong niêm mạc ruột và ruột già. Các triệu chứng sẽ khác nhau tùy theo vị trí và nguyên nhân. Trong cả hai trường hợp, nguyên nhân cơ bản có thể là do bệnh Crohn (viêm ruột mạn tính) hoặc thiếu lưu lượng máu đến vùng bụng. Bệnh nhân bị viêm đại tràng nhiễm trùng thường bị đau bụng tiêu chảy, có thể dữ dội.
Viêm ruột thừa: Viêm ruột thừa cấp tính biểu hiện ban đầu với cơn đau quanh rốn lan xuống phần tư bên phải của vùng bụng. Nó còn gây ra buồn nôn, nôn mửa và chán ăn. Bệnh nhân bị viêm ruột thừa có thể phải phẫu thuật.
Sỏi mật: Sỏi ở mật có thể gây khó chịu dữ dội hoặc đau nhói ở vùng hạ sườn phải hoặc vùng bên dưới ngực. Sỏi mật xảy ra khi chất lỏng tiêu hóa lắng đọng trong túi mật và những viên sỏi này tạm thời làm tắc nghẽn ống dẫn, gây khó chịu và đau đớn. Cơn đau có thể lan đến lưng và xương bả vai phải với các triệu chứng như buồn nôn, nôn mửa và đổ mồ hôi, kéo dài từ 30 đến 90 phút mỗi lần. Người bị đau do sỏi mật có thể kiểm soát cơn đau bằng thuốc hoặc loại bỏ sỏi mật theo hướng dẫn của bác sĩ.
Kim Uyên
(Theo Women's Health)