Đau dạ dày thể hiện tình trạng tổn thương, viêm nhiễm bên trong dạ dày. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này nhưng phổ biến nhất là do viêm loét dạ dày, nhiễm khuẩn HP, lạm dụng thuốc giảm đau... Nguyên nhân gây đau dạ dày cũng thường gặp nhưng ít người chú ý là căng thẳng.
Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Hoài Phương (Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, não và ruột liên hệ chặt chẽ với nhau thông qua hệ thống thần kinh trung ương. Khi một người bị căng thẳng, các hormone và chất dẫn truyền thần kinh sẽ được giải phóng vào đường tiêu hóa, gây co mạch, giảm lượng máu lưu thông đến cơ quan này, đồng thời, giải phóng hoạt chất cytokine gây ra tình trạng viêm. Những tác động này làm chậm quá trình tưới máu nuôi nội tạng.
Bác sĩ Hoài Phương giải thích, nếu các tế bào niêm mạc dạ dày không nhận đủ lượng máu cần thiết sẽ bị thiếu hụt oxy và chết đi. Căng thẳng cũng làm nhu động ruột kém đi, tăng tiết axit trong dạ dày, giảm chất nhầy bảo vệ niêm mạc. Những chất có thuộc tính axit sẽ ứ đọng trong dạ dày, tăng thời gian tiếp xúc với niêm mạc đường tiêu hóa, bào mòn niêm mạc dạ dày, tăng nguy cơ viêm loét. Căng thẳng còn có thể phá vỡ sự cân bằng của vi khuẩn trong đường ruột và giảm sản xuất kháng thể, ảnh hưởng đến sức khỏe đường tiêu hóa.
Trong các vấn đề về tiêu hóa do căng thẳng, phổ biến nhất là đau dạ dày. Bệnh đặc trưng bởi những cơn đau ở vùng thượng vị, cảm giác nóng rát bên trong dạ dày, ợ chua ợ hơi, buồn nôn... Bên cạnh đau dạ dày, một loạt vấn đề về tiêu hóa khác có thể phát sinh như táo bón hoặc tiêu chảy, tăng số lần đi vệ sinh, buồn nôn, mất cảm giác thèm ăn... Ở người mắc các bệnh lý về dạ dày, tá tràng thì căng thẳng làm tình trạng bệnh nặng hơn. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể trở thành mạn tính hoặc dẫn đến biến chứng xuất huyết dạ dày, đe dọa tính mạng người bệnh.
Theo bác sĩ Hoài Phương, nếu đau dạ dày do căng thẳng thì phương pháp điều trị được ưu tiên là kiểm soát căng thẳng. Người bệnh có thể tăng cường tập thể dục. Các hoạt động thể chất có tác dụng giảm căng thẳng và kích thích sản sinh hormone endorphins giúp cải thiện tâm trạng. Các liệu pháp thư giãn khác như yoga, thiền, âm nhạc... cũng được nhiều người lựa chọn.
Nghỉ ngơi đầy đủ, ngủ đủ 8 giờ mỗi đêm và không thức khuya có tác dụng giải tỏa căng thẳng, cải thiện trí nhớ. Người bệnh cần lưu ý không giải quyết căng thẳng bằng chế độ ăn uống gây hại cho hệ tiêu hóa như ăn vặt quá nhiều, ăn nhiều đồ ngọt, lạm dụng rượu bia... Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, ăn nhiều rau xanh, hạn chế chất béo, tránh các chất kích thích giúp dạ dày tốt hơn. Nếu các phương pháp tự chăm sóc tại nhà không hiệu quả hoặc cơn đau ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, người bệnh nên đến gặp bác sĩ.
Bác sĩ Hoài Phương khuyến cáo thêm, mặc dù hiếm khi xảy ra nhưng đau dạ dày có thể không phải là do căng thẳng mà là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý khác như viêm loét dạ dày tá tràng, xuất huyết dạ dày, ung thư dạ dày, bệnh lý của tụy.... Người bệnh nên được bác sĩ thăm khám nếu đau dạ dày kèm theo các triệu chứng như sụt cân, ăn kém, đi tiêu phân đen hay có máu trong phân, nôn ói nhiều, sốt cao...
Phi Hồng