Lớp niêm mạc dạ dày bị bào mòn, gây ra các tổn thương viêm, sưng, lâu dần tạo thành các vết loét. Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết đây là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến của người Việt, hay gặp nhất ở người trên 40 tuổi. Bệnh gây ra những cơn đau bụng, kèm theo ợ chua và cảm giác nóng rát vùng thượng vị hoặc sau xương ức. Cơn đau thường kéo dài từ vài phút đến vài giờ, tùy vào tình trạng bệnh, nhất là khi đói hoặc sau ăn no.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm loét dạ dày, tá tràng. Theo bác sĩ Khanh, lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu lành mạnh là yếu tố phổ biến nhất. Tuy nhiên, mọi người có thể chủ động phòng tránh bệnh bằng những cách dưới đây.
Thay đổi thói quen ăn uống
Helicobacter.pylori (HP) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày. Do tính chất dễ lây nhiễm trong sinh hoạt hàng ngày nên mọi người cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ăn chín, uống nước đun sôi. Hạn chế dùng chung bát đũa, đồ dùng sinh hoạt, rửa tay sát khuẩn trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh cũng là cách phòng ngừa lây nhiễm HP.
Không bỏ bữa; ăn uống đúng giờ; không ăn quá no và sát giờ đi ngủ, tốt nhất nên ăn trước khi ngủ 2-3 giờ... giúp điều hòa chức năng và hoạt động co bóp của dạ dày. Mọi người nên ăn nhiều trái cây, rau xanh và chất xơ. Tiến sĩ Khanh dẫn theo một số nghiên cứu đăng trên Medical News Today cho thấy, những thực phẩm này giàu chất chống oxy hóa, ức chế tiết axit và chứa các đặc tính chống viêm, bảo vệ tế bào nên có thể hỗ trợ ngăn ngừa và góp phần điều trị loét.
Sữa chua chứa hàm lượng lớn probiotics (lợi khuẩn). Các lợi khuẩn này giúp cải thiện các triệu chứng khó tiêu và tác dụng phụ của thuốc kháng sinh nên sử dụng mỗi ngày sẽ có lợi cho sức khỏe.
Muối có thể làm tăng nguy có ung thư dạ dày vì thế không nên ăn mặn. Người bệnh cần tránh thức ăn chua và cay khi vết loét đang lành để giảm thiểu tình trạng trào ngược axit có thể xảy ra ở người mắc bệnh.
Hạn chế uống rượu bia và nước có ga
Uống rượu bia và nước ngọt có ga làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý dạ dày, tá tràng. Ethanol trong bia rượu không chỉ ức chế sự tạo chất nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày mà còn kích thích và ăn mòn lớp niêm mạc, khiến dạ dày dễ bị viêm loét, xuất huyết. Nước ngọt có ga đều kích thích dạ dày tiết nhiều axit dịch vị, tăng nồng độ axit trong dạ dày, lâu ngày dẫn đến loét. Do vậy, tránh uống rượu bia, nước ngọt có ga có thể giảm nguy cơ mắc bệnh.
Dừng hút thuốc lá
Hút thuốc lá ảnh hưởng đến cơ chế bảo vệ niêm mạc dạ dày. Nó làm giảm lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày và ức chế bài tiết chất nhầy. Đây là yếu tố làm tăng tỷ lệ mắc bệnh và tái phát loét dạ dày, tá tràng, đồng thời làm chậm quá trình lành vết loét. Hút thuốc còn thúc đẩy trào ngược các chất trong tá tràng vào dạ dày, tăng tiết axit. Người hút thuốc lá nên bỏ thuốc để phòng tránh căn bệnh này.
Tránh lạm dụng thuốc chống viêm không steroid
Theo Tiến sĩ Khanh, sử dụng kéo dài một số loại thuốc chống viêm, giảm đau không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen, diclofenac, ketoprofen... có thể ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin - chất có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày. Người dùng thuốc chống viêm, giảm đau không steroid liên tục trong 3 tháng có thể mắc viêm loét dạ dày. Khi sức khỏe có biểu hiện bất thường, người bệnh không nên tự bắt bệnh và tùy tiện sử dụng thuốc.
Không thức khuya
Thức khuya làm dạ dày hoạt động quá tải, tạo gánh nặng cho đường tiêu hóa. Dạ dày tiết nhiều dịch vị khiến lớp niêm mạc dần bị ăn mòn. Tình trạng này kéo dài có thể gây viêm, loét dạ dày.
Viêm loét dạ dày, tá tràng nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi triệt để. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh có thể diễn tiến nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, hẹp môn vị... Khi nhận thấy các biểu hiện bất thường như đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, nôn, ợ hơi, ợ chua... bạn nên đến chuyên khoa Tiêu hóa để được thăm khám và chẩn đoán.
Trịnh Mai