Theo thầy thuốc nhân dân, GS.BS.TS Ngô Quý Châu - Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, nội soi phế quản bằng ống mềm (nội soi phế quản) là một kỹ thuật giúp bác sĩ quan sát bên trong đường thở. Qua nội soi có thể phát hiện các tổn thương, lấy dịch hoặc mô, tế bào từ phế quản, phổi để chẩn đoán bệnh. Bác sĩ sẽ đưa một ống soi qua mũi hoặc miệng vào khí quản, đưa xuống các đường dẫn khí nhỏ hơn. Ống soi có camera, có thể đưa hình ảnh về màn hình video phía ngoài.
Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, kỹ thuật nội soi phế quản ống mềm áp dụng trong chẩn đoá, điều trị bệnh phổi đem lại nhiều hiệu quả. Ưu điểm của kỹ thuật nội soi giúp chẩn đoán bệnh lý chính xác, nhất là bệnh ung thư phế quản, từ đó đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả, kịp thời cho người bệnh.
Khi nào cần được nội soi phế quản
Nội soi phế quản có thể được thực hiện nhằm chẩn đoán, điều trị các bệnh ở phổi như:
- U lành hoặc ung thư phổi, phế quản
- Tắc nghẽn (bít tắc) ở đường thở, hẹp đường thở
- Các tình trạng viêm và nhiễm trùng như: lao, viêm phổi, nhiễm trùng phổi do nấm hoặc ký sinh trùng
- Các nguyên nhân gây ho kéo dài
- Các nguyên nhân gây ho máu
- Các bất thường trên X-quang ngực
Các phương pháp chẩn đoán hoặc điều trị có thể được thực hiện thông qua nội soi bao gồm:
- Sinh thiết tổn thương (trong lòng khí phế quản, hạch trung thất, tổn thương nhu mô phổi...)
- Lấy dịch phế quản làm xét nghiệm
- Loại bỏ các khối u, chất tiết, máu, các cục đờm, polyp để làm thông thoáng đường thở (khí phế quản)
- Kiểm soát chảy máu trong đường thở
- Loại bỏ dị vật hoặc những tổn thương gây tắc nghẽn khác (u)
- Hút sạch mủ (apxe phổi)
Ngoài ra, cũng có những lý do khác người bệnh cần làm nội soi phế quản tuỳ trường hợp.
Ai không nên nội soi phế quản
- Người mắc hội chứng máu khó đông hoặc có các rối loạn về đông máu
- Người bệnh mắc phải các bệnh lý liên quan rối loạn tim mạch như suy tim, đau thắt ngực, nhịp tim không ổn định, nhồi máu cơ tim,...
- Bệnh nhân bị suy hô hấp nặng, hen suyễn, tràn khí màng phổi chưa dẫn lưu,...
- Một số trường hợp người bệnh không hợp tác, kỹ thuật này cũng khuyến cáo không nên sử dụng.
Cần chuẩn bị gì để nội soi phế quản?
Bác sĩ sẽ giải thích về thủ thuật. Người bệnh (gia đình) được yêu cầu ký vào giấy cam kết đồng ý làm thủ thuật, chấp nhận các nguy cơ có thể xảy ra. Vì vậy, việc đọc cẩn thận, trao đổi với bác sĩ nếu có những vấn đề chưa rõ là rất cần thiết.
Người bệnh cần thông báo với bác sĩ nếu:
- Đang có thai hoặc có thể đang có thai
- Nhạy cảm hoặc dị ứng với bất cứ thuốc, cao su, băng dính hoặc thuốc gây tê hay gây mê
- Đang sử dụng bất cứ thuốc gì bao gồm thuốc được kê đơn, thuốc tự mua, vitamin, các thuốc đông y,...
- Có rối loạn về đông máu
- Đã hoặc đang sử dụng các thuốc chống đông (như Sintrom, Aspirin...)
Để tiến hành nội soi phế quản, hãy chắc chắn rằng:
- Đã ngừng sử dụng các thuốc trước thủ thuật nếu bác sĩ yêu cầu
- Đã nhịn ăn nhịn uống ít nhất 8 giờ trước nội soi phế quản
- Có người nhà đi cùng khi làm nội soi
- Làm theo các hướng dẫn khác của bác sĩ
- Mang theo toàn bộ xét nghiệm và phim chụp trước đó
Người bệnh sẽ thực hiện các xét nghiệm trước khi làm thủ thuật như:
- Cắt lớp vi tính ngực
- X-quang ngực
- Siêu âm màng phổi
- Các xét nghiệm máu
- Các xét nghiệm khác nếu cần
Điều gì xảy ra trong quá trình nội soi phế quản
Trong hầu hết các trường hợp, nội soi phế quản được thực hiện theo quá trình sau:
- Người bệnh được yêu cầu không đeo trang sức, tháo dụng cụ răng miệng hoặc các vật mang theo người.
- Với nội soi phế quản ống mềm gây mê, người bệnh được sử dụng thuốc (thuốc mê đường tĩnh mạch) để ngủ trong khi làm nội soi. Với nội soi phế quản ống mềm gây tê, người bệnh gây tê vùng hầu họng bằng thuốc để giúp đường thở đỡ kích thích, người bệnh sẽ tỉnh táo trong suốt quá trình nội soi.
- Nhịp tim, huyết áp và tình trạng hô hấp được theo dõi trong suốt quá trình nội soi.
- Bác sĩ đưa ống soi qua mũi hoặc miệng xuống họng và vào đường thở. Khi ống soi được đưa xuống, bác sĩ sẽ quan sát đường thở, lấy dịch phế quản, các mô bệnh phẩm (tổn thương trong lòng phế quản và phổi) để làm xét nghiệm. Các thủ thuật khác có thể được làm nếu cần thiết bao gồm sử dụng thuốc hoặc các thủ thuật cầm máu. Sau khi đã quan sát đường thở, các thủ thuật khác thực hiện, ống soi sẽ được rút ra.
Nội soi phế quản là một kĩ thuật tương đối an toàn. Những nguy cơ như thiếu oxy hoặc chảy máu nặng không phổ biến (chỉ dưới 5%) và có thể được xử lý trong điều kiện y tế đầy đủ.
Những lưu ý sau khi thực hiện nội soi phế quản
Sau khi nội soi phế quản gây mê, người bệnh có thể buồn ngủ và mệt mỏi. Người bệnh cũng không được nuốt hoặc ăn hai giờ sau khi nội soi, sau đó có thể uống thử nước, nếu không sặc có thể ăn uống bình thường. Triệu chứng đau họng, đau khi nuốt trong vài ngày là điều bình thường.
Cần gọi ngay cho bác sĩ nếu có những triệu chứng dưới đây: Sốt trên 38 độ C, ho máu nhiều (khoảng vài thìa), đau ngực, khàn giọng nặng, khó thở,...
Lê Nguyễn